Năm hướng đột phá chiến lược trong phát triển nông nghiệp giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và NTM kiểu mẫu
Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định:
Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của tỉnh về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách đạt được những thành tựu quan trọng. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năm 2018, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm còn 25,82%. Ngành nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại; phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tập trung, tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị và chăn nuôi thủy sản, trang trại. Việc tập trung tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộng; đến hết năm 2018, có 128 xã xây dựng được 185 cánh đồng lớn với diện tích 15.312 ha; đã có một số mô hình doanh nghiệp liên kết, thuê ruộng đất của nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa phương. Công nghiệp, nghề và làng nghề, dịch vụ tiếp tục phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bảo vệ môi trường được chú trọng; bộ mặt nông thôn được đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn 3,35%; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt. An ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế đó là: Sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, không có tính liên kết từ sản xuất đến phân phối, chậm chuyển sang hàng hóa tập trung, quy mô lớn; sản xuất theo chuỗi còn rất hạn chế; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chưa có sản phẩm mang thương hiệu; tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích trong sản xuất, làm cho sản phẩm chất lượng thấp, tiềm ẩn không an toàn, không vào được các thị trường đòi hỏi cao về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, Nghị quyết đề ra quan điểm, mục tiêu và 9 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện là: Đến hết năm 2019: có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 02 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; Đến hết năm 2020: có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, có 1,5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đạt 6% trở lên; diện tích đất có liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 10% trở lên so với tổng diện tích đất canh tác. Mỗi huyện có 01 (trở lên) sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ; Đến hết năm 2030: có 30% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, có 10% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đạt 30% trở lên; diện tích đất có liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 60% trở lên so với tổng diện tích đất canh tác. Mỗi huyện có 3 (trở lên) sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành xây dựng Chương trình hành động và tổ chức triển khai Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó tập trung nhấn mạnh giải pháp: Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm hướng đột phá chiến lược các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gồm: (1) Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; (2) Đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (3) Tích cực thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp; (4) Chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn theo yêu cầu mới; (5) Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, tâm linh tại vùng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch ngành nông nghiệp và tập trung tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, phát triển mạnh tổ chức nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, sản phẩm an toàn, sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập của lao động nông nghiệp để làm cơ sở bền vững nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới về sản xuất và thu nhập của người dân.
Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Nông nghiệp các huyện, phòng Kinh tế thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá một số hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiêp trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo luật HTX năm 2012; tình hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; định hướng phát triển của hợp tác xã trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; những đề xuất, kiến nghị hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về cơ chế, chính sách...kết thúc đợt khảo sát đoàn công tác xây dựng báo cáo đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất của đoàn báo cáo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các hợp tác xã hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tập trung tịch tụ đất đai, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Phạm Thanh Bính, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh