Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác được xem là bước khởi đầu, làm nền tảng thúc đẩy các hình thức hợp tác có tổ chức chặt chẽ hơn như hợp tác xã. Bởi tổ hợp tác là hình thức hợp tác đơn giản, có khả năng áp dụng rộng rãi, liên kết những người dân có hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, dễ bị thiệt thòi khi tham gia thị trường, cùng thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực sản xuất và mua bán hàng hóa nông sản, tăng khả năng tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn
Nhằm thúc đẩy tổ hợp tác phát triển, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều văn bản pháp quy như Nghị định 151/2007/NĐ-CP, Thông tư 04/2008/TT-BKH để hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Theo đó, quy trình thành lập một tổ hợp tác mới được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1. Xác định mục đích hợp tác và xây dựng hợp đồng hợp tác
a) Xác định mục đích hợp tác
- Xác định lĩnh vực, nhu cầu, thời hạn.
- Lựa chọn người có tâm huyết, uy tín và khả năng vận động trong cộng đồng, số người cần có tối thiểu là 3 người.
b) Xây dựng hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác được thỏa thuận bằng văn bản giữa các tổ viên với nội dung chủ yếu như sau:
- Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác;
- Họ tên, nơi cư trú, chữ ký của tổ trưởng và các tổ viên;
- Mức đóng góp tài sản (nếu có), phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên;
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ viên, tổ trưởng và ban điều hành (nếu có);
- Điều kiện kết nạp tổ viên mới và tổ viên ra khỏi tổ hợp tác;
- Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác;
- Các thỏa thuận khác.
Các nội dung trên đây của hợp đồng hợp tác có thể được sửa đổi, bổ sung khi được sự đồng ý của đa số tổ viên.
Bước 2. Hoàn thiện hồ sơ tổ hợp tác
Khi thành lập, các thành viên thảo luận và thống nhất các nội dung chủ yếu sau đây:
- Mục đích và kế hoạch hoạt động của tổ hợp tác;
- Nội dung hợp đồng hợp tác;
- Tên, biểu tượng (nếu có) của tổ hợp tác;
- Danh sách tổ viên;
- Bầu tổ trưởng; tùy tình hình cụ thể, tổ hợp tác có thể bầu ban điều hành gồm tổ trưởng & các chức danh khác như tổ phó, kế toán, thủ quỹ hoặc một người kiêm nhiệm một số chức danh nếu cần thiết.
- Các vấn đề liên quan khác.
Một bộ hồ sơ đầy đủ của tổ hợp tác gồm:
- Đơn đề nghị UBND xã chứng thực cho tổ hợp tác hoạt động
- Hợp đồng hợp tác (2 bản)
Bước 3. Chứng thực hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác sau khi được thông qua, tổ trưởng tổ hợp tác mang đến UBND xã chứng thực hợp đồng.
UBND xã chứng thực (ký xác nhận, đóng dấu) vào hợp đồng hợp tác và ghi vào sổ theo dõi trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hợp đồng hợp tác của tổ. UBND xã lưu 1 bản hợp đồng để phục vụ công tác quản lý nhà nước, một bản gửi về cho tổ hợp tác.
Trường hợp UBND xã không chứng thực hợp đồng hợp tác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
Tổ trưởng tổ tiến hành điều hành tổ theo nội dung hợp đồng đã thống nhất
|