Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Do đặc thù hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thường được thành lập, hoạt động ở vùng nông thôn nên Nhà nước thường có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhất định. Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời, có hiệu lực thi hành từ 1-1-1997 đến Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực HTX phát triển.
Luật HTX đã chỉ rõ những ưu đãi của Nhà nước đối với HTX, Liên hiệp HTX, cụ thể:
Điều 6 Luật hợp tác xã 2012 quy định:
“1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
b) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
c) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
d) Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
đ) Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;
e) Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Nhà nước có chính sách ưu đãi sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
3. Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:
a) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;
b) Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Ưu đãi về tín dụng;
d) Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;
đ) Chế biến sản phẩm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ của đất nước và trình độ phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.
Xuất phát từ nhu cầu của những hộ sản xuất, kinh doanh, cộng thêm sự hiểu biết những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 12 hợp tác xã được thành lập trên các lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh vận tải, tổng hợp,… nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 448 bao gồm 329 hợp tác xã nông nghiệp, 21 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 02 hợp tác xã xây dựng, 06 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 05 hợp tác xã giao thông vận tải, 85 quỹ tín dụng nhân dân.
Thanh Huyền tổng hợp