Vì nhiều lý do, hầu hết các mô hình kinh tế tập thể nói chung, các HTX nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được xem là giải pháp giúp các HTX giải quyết vấn đề này.
Vùng sản xuất rau sạch của HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân (Kiến Xương).
Điểm khác biệt so với HTX kiểu cũ đó là HTX kiểu mới hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ cho thành viên. Các thành viên vừa là người sử dụng dịch vụ, vừa góp vốn, tham gia HTX như một cổ đông. Chính vì thế, hoạt động của một HTX được đánh giá qua số lượng, chất lượng các dịch vụ cung ứng. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 480 HTX, trong đó chủ yếu là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết các HTX đã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, một trong những hạn chế phải thẳng thắn thừa nhận là việc chuyển đổi HTX nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, có tính chất “bình mới rượu cũ”; đa số các HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, khó khăn, thiếu vốn hoạt động. Hầu hết các HTX trong tỉnh đang có mức độ đáp ứng dịch vụ thấp so với nhu cầu của thành viên. Bình quân mỗi HTX sau chuyển đổi mới thực hiện được 4 khâu dịch vụ, chủ yếu là các dịch vụ đơn giản và phổ biến. Lý giải cho hạn chế ấy, câu trả lời ở hầu hết các HTX chính là thiếu vốn. Quá trình cung ứng dịch vụ, các HTX cần đầu tư, trang bị máy móc, cơ sở hạ tầng, vốn lưu động để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc thu mua nông sản cho các thành viên nhưng đa số các HTX đều không có vốn. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng lại gặp khó khăn.
Là một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hưng Hà, HTX SXKD DVNN xã Độc Lập hiện đang thực hiện 9 khâu dịch vụ bao gồm: thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hoạch, thú y, sản xuất mạ khay cấy bằng máy, cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Nõn, Giám đốc HTX cho biết: Tổng tài sản của HTX là 16,171 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động là 1,544 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2017 của HTX đạt 2,3 tỷ đồng, thu nhập đạt 123 triệu đồng. Để có được con số ấy, HTX đã rất nỗ lực trong điều hành, cung ứng các khâu dịch vụ bằng nguồn vốn hạn hẹp. Mặc dù nhà nước đã có nhiều ưu đãi đối với HTX nhưng trên thực tế rất khó để tiếp cận. Nếu có vốn, hoạt động của HTX sẽ hiệu quả hơn, vươn dài các dịch vụ, phục vụ tốt nhu cầu của thành viên.
Mặc dù thời gian qua Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tích cực trong việc tìm các nguồn hỗ trợ các đơn vị thành viên có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2017, toàn tỉnh mới chỉ có 2 HTX được vay 1,342 tỷ đồng từ nguồn vốn vay quỹ quốc gia về việc làm từ kênh của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Khi không có vốn, các HTX sẽ không đủ lực để cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho thành viên, dẫn tới lợi nhuận thấp. Theo bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, quỹ hỗ trợ phát triển HTX là kênh vay vốn quan trọng của các mô hình kinh tế tập thể, vì vậy, để trợ sức cho các HTX, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ HTX, hoạt động như một tổ chức tín dụng nhà nước. Ngày 29/8/2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với mục đích thông qua hoạt động cho vay vốn để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vốn điều lệ 30 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp. Hiện Liên minh Hợp tác xã tỉnh là cơ quan chủ trì đang xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động và tổ chức bộ máy quản lý quỹ.
Hy vọng, khi quỹ hỗ trợ phát triển HTX đi vào hoạt động sẽ có thêm nhiều HTX được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế tập thể tỉnh nhà.
Theo Baothaibinh.com.vn