Trung ương đề ra 8 chính sách trong đổi mới kinh tế tập thể
Ngày: 30/06/2022
Trong năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Ban Chấp hành Trung ương đề ra có việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Ban Chấp hành Trung ương mới đây đã ban hành Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể

Theo đó, Nghị quyết đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích luỹ vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể.

Bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; về nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể.

Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể.

Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai

Đầu tiên, về chính sách phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh.

Chuẩn hoá các chức danh quản lý trong tổ chức kinh tế tập thể (giám đốc, kế toán, kiểm soát). Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ quản lý chưa đạt tiêu chuẩn chức danh vị trí đang đảm nhiệm.

Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể.

Thứ hai, về chính sách đất đai, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn. Hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê. Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.

Hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế

Thứ ba, về chính sách tài chính, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế tập thể. Hỗ trợ phí kiểm toán, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Thứ tư, về chính sách tín dụng. Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác; được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, không để thất thoát. Hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện.

Thứ năm là về chính sách khoa học - công nghệ: Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học - công nghệ cho các tổ chức kinh tế tập thể trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn.

Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động

Thứ sáu là chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường. Cụ thể, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường; xây dựng, đăng ký thương hiệu; đăng ký sản phẩm thương mại; tham gia hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước.

Thứ bảy là chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tổ chức kinh tế tập thể được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng thành viên hoặc là nơi tiếp nhận/triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước vì mục tiêu phát triển cộng đồng.

Xây dựng kết cấu hạ tầng xúc tiến thương mại, đầu tư; xây dựng và ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch. Tổ chức kinh tế tập thể có trách nhiệm tự trang trải chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình được Nhà nước bàn giao, giúp cộng đồng quản lý và khai thác hiệu quả các công trình được xây dựng trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, kết hợp với sự đóng góp của các thành viên.

Hỗ trợ của Nhà nước là tài sản chung không chia khi thành viên ra khỏi tổ chức kinh tế tập thể hoặc tổ chức kinh tế tập thể giải thể, phá sản.

Cuối cùng là chính sách bảo hiểm xã hội. Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; các thành viên khác không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ít nhất 3 hợp tác xã trong bảng xếp hạng 300 toàn cầu

Nghị quyết 20 đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

Phấn đấu có ít nhất ba tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Theo vca.gor

Thống kê truy cập:385646
Số người trực tuyến: 184