Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Thái Bình nói chung, huyện Vũ Thư nói riêng có nhiều bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên nông dân, vươn lên phát triển kinh tế khá, giàu góp phần nâng cao đời sống. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như anh Lưu Văn Toàn - thôn Song Thủy, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình, anh Toàn hiểu rõ những khó khăn của việc chăn nuôi nhỏ lẻ. Những năm gần đây, khi dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi anh nhận thấy: số đầu lợn sẽ giảm 30% - 40% mà nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng không thay đổi vì vậy nhu cầu con giống gia cầm, thủy cầm và gia cầm nuôi lấy thịt sẽ rất cao nhưng hiện nay con giống tràn lan không rõ nguồn gốc rất nhiều khiến các hộ chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Đối với tỉnh Thái Bình, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và lợn có từ lâu đời nhưng đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát con giống không đồng nhất phần lớn nhập từ địa phương khác về, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế,... Tất cả những vấn đề đó cũng góp phần khiến cho dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Khó khăn đó làm cho năng lực của hộ chăn nuôi chưa phát huy hết, chưa đáp ứng tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trước tình hình đó, anh Toàn đã cùng các sáng lập viên có giải pháp thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi xanh với phương châm "Các bạn sẽ là tương lai của chúng tôi” chàng trai trẻ đã tâm huyết, mạnh dạn cùng với các sáng lập viên chung sức, chung vốn và đồng lòng thành lập Hợp tác xã chăn nuôi xanh Thái Bình với mong muốn đáp ứng nhu cầu của thành viên:
- Cung cấp con giống chọn lọc chất lượng cao cho thành viên HTX và ra thị trường bên ngoài;
- Các thành viên chăn nuôi trong HTX đều phải chăn nuôi theo hướng VietGap để cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao ra ngoài thị trường;
- Thay đổi hình thức mua bán sản phẩm từ chỗ phụ thuộc tư thương sang hình thức mua bán qua hợp đồng. Đây cần được coi là 2 yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng theo mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi.
Gà thương phẩm của HTX chăn nuôi xanh Thái Bình
Với quy mô chăn nuôi theo đăng ký ban đầu của các thành viên HTX là trên 10.000 đầu gà và 1.500 đầu lợn, được chăn nuôi tập trung, không có hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô dưới 500 gà và dưới 100 lợn; đây là yếu tố thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Địa bàn hoạt động chủ yếu của HTX là Vũ Thư và Thái Thụy.
Chủng loại giống đối với chăn nuôi gia cầm, thủy cầm HTX sẽ tự chọn lọc lai tạo ra con giống gà, vịt để ổn định đầu vào nuôi thịt với quy mô ban đầu là 4.000 gà bố mẹ, 2.000 vịt mẹ bầu, bố bơ cho phép ổn định con giống cho các thành viên HTX và cung ứng ra bên ngoài con giống chất lượng cao.
Đối với chăn nuôi lợn với quy mô 150 lợn nái ngoại cao sản, lợn thịt trung bình duy trì 1500 con được nuôi trong chuồng kín, sẽ là nguồn cung ứng lợn ổn định ra thị trường nguồn lợn thịt chất lượng cao, an toàn ra ngoài thị trường.
Với cách thức tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; xác định đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình kết hợp những lợi thế trong hoạt động; định hướng và sự quyết tâm trong thực hiện mục tiêu như đã nêu trên, Hợp tác xã chăn nuôi xanh Thái Bình tự tin gia nhập thị trường đã cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm con giống và sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm với giá cả cạnh tranh.
Mặc dù mới thành lập nhưng với kinh nghiệm của mình, các thành viên hợp tác xã đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong chăn nuôi, kết hợp cùng 4 bác sĩ thú y tham gia trong HTX nên họ đã tự tin, quyết tâm tăng năng xuất trong chăn nuôi và cung cấp ra ngoài thị trường sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao có sức cạnh tranh ngoài thị trường.
Là một trong những đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, tiêu thụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX lại ra đời trong hoàn cảnh khi dịch bệnh Covid lan rộng ảnh hưởng toàn thế giới, song với định hướng rõ ràng và xuyên suốt quá trình hoạt động của HTX là: ”Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình" với bao bì nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch tới từng hộ sản xuất và từng lô sản phẩm. Với tiêu chí này, sản phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi xanh Thái Bình đang đi đúng hướng với mong muốn và yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Được làm việc và tiếp xúc với anh Lưu Văn Toàn chưa nhiều nhưng qua trao đổi và tận mắt chứng kiến những việc anh làm, có thể khẳng định anh là một thanh niên trẻ có tính sáng tạo, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc đưa các con giống mới có năng suất cao vào thực tế để sản xuất. Hợp tác xã do anh làm Giám đốc là địa chỉ đáng tin cậy để cho người dân tham quan học tập kinh nghiệm.
Từ đó có thể cho thấy nếu người nông dân biết áp dụng; mạnh dạn đưa những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trong thực tiễn để tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lực của mình sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng năng suất và hiệu quả kinh tế vốn có trên các con vật nuôi. Hy vọng mô hình Hợp tác xã chăn nuôi xanh Thái Bình sẽ nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp các ngành để có thêm nhiều bạn trẻ làm kinh tế giỏi; gắn bó và xây dựng nông thôn cũng như nền kinh tế tập thể tỉnh nhà ngày càng phát triển./.
Ngọc Thi