Hệ thống QTDND Thái Bình: Nâng cao nội lực, tăng cường hỗ trợ kinh tế địa phương
Ngày: 08/04/2022
Hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN cùng Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống QTDND Thái Bình dần từng bước được tái cơ cấu, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của một mô hình HTX kinh doanh tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ thành viên và địa phương phát triển kinh tế.

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, Phan Thị Tuyết Trinh cho biết, ngay sau khi Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN ban hành và tiếp đến là Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1137/QĐ-NHNN, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tập trung chỉ đạo củng cố hoạt động của hệ thống QTDND và xử lý các QTDND yếu kém; chỉ đạo và giám sát các QTDND xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện chỉ đạo các QTDND trên địa bàn xây dựng hệ thống các chính sách, quy định, quy trình nội bộ; tiến hành rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định nội bộ về quản trị, kiểm soát, điều hành; kiểm soát và đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời đảm bảo an toàn và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Kết quả sau hơn 3 năm triển khai, hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đi vào nề nếp. Các QTDND chủ động triển khai thực hiện, hoàn thành công tác Đại hội thành viên; xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch hoạt động theo sát các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội thành viên. Hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát, Kiểm toán nội bộ; các hoạt động nghiệp vụ về huy động vốn, duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, cho vay, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, quản lý quỹ tiền mặt, kế toán và quản lý tài chính được triển khai thực hiện cơ bản đã đảm bảo theo Điều lệ, các chính sách quy định nội bộ của QTDND và quy định của pháp luật.

Giao dịch khách hàng tại QTDND Chí Hòa - Thái Bình

Với sự chỉ đạo và giám sát của Chi nhánh NHNN thực hiện Quyết định 1173/QĐ-NHNN triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, các QTDND trên địa bàn đã và đang chuyển dịch các hoạt động đảm bảo theo đúng nguyên tắc hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp để huy động vốn của thành viên, hạn chế huy động vốn ngoài thành viên. Việc thu hút, kết nạp thành viên mới được các QTDND thẩm định, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo nâng cao chất lượng thành viên, tuân thủ pháp luật. Các QTDND có địa bàn hoạt động liên xã đang thực hiện các mục tiêu, lộ trình nêu tại các Phương án chuyển tiếp về địa bàn hoạt động theo quy định tại Thông tư số 21.

*******

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Thái Bình không còn QTDND có vốn dưới 01 tỷ đồng, vốn điều lệ của QTDND ở Thái Bình cao hơn mức yêu cầu của Đề án 209 đề ra là đến năm 2030 không còn QTDND có mức vốn điều lệ dưới 500 triệu đồng. Hầu hết các QTDND đã duy trì đủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại Thông tư số 32; thực hiện nghiêm túc việc phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định 493 và Quyết định số 18 của Thống đốc NHNN. Các QTDND đã chú trọng, tăng cường kiểm soát việc huy động tiền gửi, chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật và các quy định nội bộ của QTDND.

Năng lực tài chính và vốn chủ sở hữu đang được các QTDND nâng lên đáp ứng yêu cầu Đề án củng cố, phát triển đến năm 2030. Số liệu từ NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho thấy, đến 31/12/2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 85 QTDND hoạt động trên địa bàn hành chính 147 xã/phường/thị trấn.

Tổng nguồn vốn của các QTDND đến 31/12/2021 đạt 12.117 tỷ đồng, tăng 12% so với 31/12/2020, trong đó: vốn chủ sở hữu 538 tỷ đồng, tăng 20,7%, chiếm 4,4%; tổng số vốn điều lệ của các QTDND đạt 377,816 tỷ đồng, tăng 22,6% so với 31/12/2020. Tính tự chủ trong hoạt động của các QTDND ngày càng tăng thể hiện rõ qua số vốn vay NHHTX 108 tỷ đồng, giảm 21,3% so với 31/12/2020, chiếm 0,9% tổng nguồn vốn. Đến thời điểm 31/12/2021, tổng số dư tiền gửi của các QTDND tại NHHTX 3.136 tỷ đồng, tăng 39,7% so với 31/12/2020.

Các chức danh Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Ban kiểm soát đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Thông tư số 04; đang hoàn thành phương án chuyển tiếp về tiêu chuẩn điều kiện chức danh nhân sự theo Thông tư số 21.

QTDND Tân Phong - Thái Bình

Những kết quả này là cơ sở để trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu, rộng trong nền kinh tế đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn, 85 QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn phát huy tốt vai trò chủ công cung ứng các dịch vụ tiền tệ cho 152.837 thành viên, tăng 2.456 thành viên so với 31/12/2020. Đồng thời, tập trung thực hiện các biện pháp nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đối với thành viên vay vốn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ của các QTDND là 8.639 tỷ đồng (bình quân 102 tỷ đồng/quỹ), tỷ trọng cho vay thành viên/tổng dư nợ đạt 99,7%; qua đó, góp phần vào hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trên địa bàn. Nợ xấu chỉ chiếm 0,55% cho thấy dòng vốn đã thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống.

Bên cạnh đó, các QTDND trên địa bàn đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, thiết thực đáp ứng nhu cầu thành viên và người dân trên địa bàn, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn một cách hiệu quả, như cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ cho các ngân hàng được phép; thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên…

*******

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số QTDND vẫn còn xảy ra những hạn chế, vi phạm trong các mặt hoạt động như chưa tuân thủ đầy đủ các quy định theo Thông tư 21, một số QTDND vẫn còn chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tổng huy động tiền gửi vượt 20 lần vốn chủ sở hữu... Dù những hạn chế, vi phạm trên không phải được dồn tích từ nhiều năm trước đây mà phát sinh trong thực tại hoạt động, song NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cũng đã xác định và chỉ đạo các QTDND xem việc chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những sai phạm là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa thường xuyên và là trách nhiệm trước tiên của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc QTDND.

Năm 2022, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, bà Phan Thị Tuyết Trinh cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo và giám sát các QTDND xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN, chi nhánh đã yêu cầu các QTDND xây dựng mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động tiền gửi theo hướng “Tổng mức nhận tiền gửi của QTDND ở mức không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu”; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, góp phần hạn chế tín dụng đen.

NHNN tỉnh cũng khuyến khích các QTDND tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thành viên vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên vay vốn, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cho vay. Đồng thời, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của từng QTDND ở mức dưới 1%; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-NHNN của Thống đốc NHNN và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Theo Thời báo ngân hàng

Thống kê truy cập:466727
Số người trực tuyến: 193