HTX mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho thành viên
Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) mạnh dạn chuyển đổi hình thức nuôi thủy sản, nâng cao thu nhập thành viên và người lao động.
Mô hình ao nuôi bán nổi của HTX Thanh niên nuôi trông thủy sản và DVTM Tiến Đạt
Tuy nuôi trồng thủy sản là ngành nghề truyền thống nhưng Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (huyện Thái Thụy) đã mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, phương pháp nuôi mới vào sản xuất; đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với nuôi truyền thống, gấp 5 lần so với cấy lúa, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo truyền thống, người dân xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy) chủ yếu nuôi tôm trong các ao đất theo hình thức quảng canh. Tuy nhiên, mô hình nuôi trồng này thường hay bị đọng thức ăn ở đáy ao nên khó vệ sinh, dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh tại ao nuôi, trong khi những năm gần đây nguồn thủy sản tự nhiên kém đi. Chính vì vậy, người dân đã thay đổi mô hình nuôi theo cách mới đó là sử dụng hình thức ao bán nổi để nuôi tôm.
Ao bán nổi là ao nhưng không cần đào sâu mà chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng hoặc có thể tận dụng hệ thống kênh cấp, thoát nước sản xuất lúa phục vụ nuôi thủy sản nên kinh phí đầu tư thấp. Đặc biệt ưu điểm của mô hình này là khi cần thiết, người nuôi thủy sản có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định mà Nhà nước đã quy định khi chuyển đổi diện tích đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Xuân Sứ, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (xã Thái Thượng), cho biết: hệ thống ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt cung cấp oxy cho cá... Nếu ao chìm truyền thống phải mất nhiều nhân công chi phí cho quá trình đào đất và tìm diện tích chứa đất, bùn thì ao nổi chỉ cần độ sâu từ 40-50 cm. Đất sau khi đào có thể đắp luôn thành bờ nên rất thuận tiện. Do đào ít đất nên đáy ao vẫn đảm bảo độ cứng, thuận tiện cho lót bạt, rút nước, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh.
Với diện tích mặt nước hiện có, nhờ chiều sâu ít nên diện tích mặt nước được mở rộng, khả năng đón ánh sáng, gió cao hơn ao chìm. Sóng nhiều, thoát khí tốt, phù hợp với việc nuôi mật độ cao. “Ao nổi vì vậy mang nhiều ưu điểm nổi trội so với ao truyền thống”.
Theo tính toán, nếu như 10 mẫu ao bán nổi dùng để nuôi các loại cá sẽ giúp thu về trên 30 tấn cá thương phẩm, tương đương khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Không chỉ nuôi trồng theo ao bán nổi, hợp tác xã còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản.
Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục tiếp cận các ngưồn vốn ưu đãi của tỉnh, huyện, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.
Vũ Văn Long