Thụy Trường: Nâng cao giá trị cây tỏi
Ngày: 11/09/2019
Tỏi là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở xã Thụy Trường (Thái Thụy) với diện tích đạt khoảng 200ha/năm. Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây tỏi, thời gian gần đây, một số hộ dân trong xã đã sản xuất tỏi đen, từng bước tạo dựng thương hiệu tỏi.

Bảo quản tỏi khô bằng phương pháp hun khói truyền thống của HTX Trường An.

Có thể nói, điều kiện về địa lý khí hậu của vùng đất Thái Thụy nói chung, Thụy Trường nói riêng đã tạo nên đặc trưng riêng cho chất lượng tỏi nơi đây. Được trồng vùng đất ven biển, đất bãi phù sa bồi đắp, tỏi cho củ chắc, tép nhiều và đều, có vị cay đặc trưng, thơm nhưng không gắt như tỏi trồng ở những nơi khác. Tuy đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng thương hiệu “Tỏi Thái Thụy” mới chỉ được những người quen dùng biết tới hay được quảng bá bởi những sọt xe rao bán hành, tỏi khô tại các chợ trong tỉnh. Người nông dân trồng tỏi khó khăn trong tiêu thụ và gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối thương lái. 

Ông Hồ Huy Thủy, thôn Tam Tri, xã Thụy Trường cho biết: Từ nhiều năm nay, người trồng tỏi vẫn chỉ sản xuất theo phương thức tự cung, tự tiêu. Đến lúc được thu hoạch thì ra đồng nhổ rồi mang ra chợ bán; đắt thì hưởng đắt, rẻ thì ngậm ngùi chịu rẻ. Xuất phát từ thực tế người nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng lại hưởng thành quả thấp nhất trong chuỗi vận hành đến với người tiêu dùng và điệp khúc được mùa rớt giá khiến sản xuất bấp bênh, từ năm 2017, tôi cùng 4 hộ khác đã liên kết với nhau, thuê 5ha ruộng để sản xuất, trong đó có 3ha trồng tỏi, trực tiếp kết nối với các công ty, đầu mối lớn để bao tiêu nông sản cho cả hộ khác khi có nhu cầu. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã sản xuất thành công tỏi đen với sản lượng đạt 2 - 3 tạ/năm, qua đó nâng cao giá trị cây tỏi. Cũng từ thành công ấy, HTX Trường An ra đời nhằm tạo dựng chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ tỏi.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Giám đốc HTX Trường An cho biết: Nếu bán tỏi được giá từ 10.000 đồng/kg đối với tỏi tươi hoặc từ 30.000 đồng/kg trở lên với tỏi khô thì người trồng mới có lãi. Như năm 2018, giá tỏi khô có thời điểm xuống còn 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng người dân cũng không bán được vì nguồn cung nhiều. Nếu làm thành tỏi đen, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với bán tỏi tươi/khô ở thời điểm cao giá mà không phải chịu sức ép từ thị trường. Hiện tại, chúng tôi có 1 máy làm tỏi đen, công suất 1 tạ tỏi khô/mẻ/50 ngày; kho bảo quản. Mỗi tạ tỏi khô làm được khoảng 40kg tỏi đen, giá HTX đang bán là 400.000 đồng/kg, trừ chi phí điện, nhân công... vẫn cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng/mẻ. Tuy nhiên, một năm chỉ làm tỏi đen được khoảng 8 tháng bởi tỏi được thu hoạch tập trung quanh dịp tết Nguyên đán, phải mất 1 - 2 tháng mới có tỏi khô để làm; đến tháng 11, 12 âm lịch tỏi khô chuyển hóa chất, chất lượng không còn bảo đảm để làm tỏi đen. Do xây dựng được chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nên sản phẩm tỏi đen của HTX có giá thành thấp hơn so với sản phẩm của các đơn vị khác, do đó được thị trường đón nhận. Thời gian tới, HTX dự định thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy làm tỏi và cung cấp đa dạng các sản phẩm: hành, tỏi khô, rượu tỏi đen... liên kết với các doanh nghiệp để đứng ra thu mua hành khô, tỏi khô cho nông dân trong vùng. Các sản phẩm, đặc biệt là tỏi đen chúng tôi đang hướng tới các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch bởi mọi quy trình từ sản xuất, bảo quản, chế biến đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Quá trình canh tác sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ ủ hoai mục (phân hữu cơ giúp tỏi chắc củ, chất lượng tốt hơn so với bón phân hóa học); bảo quản bằng kho theo phương pháp truyền thống: đốt củ, trấu hun khói; chế biến tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản được Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao kỹ thuật.

Việc sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ làm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó những nhà sản xuất sẽ thu được lợi ích nhiều nhất từ sản phẩm của mình. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng cách làm của HTX Trường An bước đầu cho thấy sự thay đổi trong tư duy, tổ chức sản xuất, là tín hiệu tích cực trong nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản.

Theo Thaibinh.com.vn

Thống kê truy cập:466715
Số người trực tuyến: 195