Xây dựng thương hiệu Gạo Chợ Gốc Bình Thanh nâng cao thu nhập cho các thành viên Hợp tác xã
Ngày: 24/10/2023
Bình Thanh là xã thuần nông, lại là vùng trũng của huyện Kiến Xương. Toàn xã có khoảng gần 300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Là vùng chuyên canh lúa nhiều năm, với đặc thù là là vùng trũng, trồng lúa tuy có vất vả hơn so với các nơi khác nhưng chất lượng gạo của địa phương luôn đậm đà, thơm ngon hơn. Trên địa bàn xã có chợ Gốc nổi tiếng trong vùng về giao thương tiêu thụ hàng hoá, tuy nhiên, lúa gạo ở vùng sản xuất chủ yếu cung ứng cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Năm 2021, Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ và Kinh doanh lúa gạo Bình Thanh, huyện Kiến Xương được thành lập với mục đích quy hoạch từ những diện tích đã được tích tụ, tổ chức sản xuất liên kết, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gạo chợ Gốc của Bình Thanh chất lượng, an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Các sản phẩm Ocop của HTX TMDV và KD lúa gạo Bình Thanh

 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Với ấp ủ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, Hợp tác xã đã thực hiện các quy trình để cho ra đời thương hiệu Gạo Chợ Gốc được tạo ra từ giống lúa TBR225 và lúa Nhật.

Chứng nhận sản phẩm Ocop của HTX

Năm 2021, HTX Bình Thanh được Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Xương quan tâm giao cho thực hiện mô hình “Nâng cao giá trị trong sản xuất lúa gạo phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX”. HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Thanh đã bám sát mục tiêu tham mưu cho địa phương tổ chức thành công mô hình, xây dựng được thương hiệu “Gạo Chợ Gốc” đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Từ vụ mùa năm 2021 xã đã quy vùng sản xuất ở 3 vùng với tổng diện tích 180 ha để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo đó, HTX tổ chức thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu làm đất, mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và bảo đảm tất cả các hộ trong vùng cấy cùng một giống, thu mua, tiêu thụ 100% sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, vùng lúa này sẽ áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện nhật ký số và số hóa đồng ruộng, vận động nhân dân xóa bỏ bờ ngăn tiến tới xóa bỏ các bờ vùng tạo thành cánh đồng lớn thuận lợi cho cơ giới hóa, tăng diện tích đồng ruộng. Ngay từ vụ mùa năm 2021, HTX đã đạt năng suất lúa đạt 2,5 tạ/sào trở lên và tới cuối tháng 10 HTX cho ra sản phẩm gạo chợ Gốc đóng túi bán trên thị trường.

Gạo Chợ Gốc

Hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH An Đình và Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Khang Long. Ngoài ra, Hợp tác xã tiếp tục duy trì cấy lúa giống cho Tổng công tý giống cây trồng Thái Bình với diện tích hơn 110 ha. Sản phẩm của Hợp tác xã được bán trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng yêu thích và tin dùng.

Năm 2022 HTX tiếp tục mở rộng và đưa ra thị trường sản phẩm mang đậm chất vùng quê lúa ven sông Hồng đó là sản phẩm “Nước mắm Chợ Gốc”.

Nước mắm Chợ Gốc

Đến nay, Hợp tác xã vẫn duy trì sản xuất ở 4 vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn với 200 ha lượng tiêu thụ hàng năm lên tới trên 1.000 tấn/năm.  Doanh thu hàng năm đạt sấp xỉ 1 tỷ đồng, lợi nhuận 10%.

Thanh Huyền

Thống kê truy cập:365156
Số người trực tuyến: 258