Hội nghị “Đánh giá tiềm năng sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu đối với sản phẩm chủ lực gạo”
Sáng ngày 08/09/2020, tại Hội trường Nhà khách Sông Trà, thành phố Thái Bình, Liên minh hợp tác xã tỉnh phối hợp với Viện phát triển kinh tế hợp tác- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị “ Đánh giá tiềm năng phát triển sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu đối với sản phẩm chủ lực gạo”.
Về dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thủy – Trưởng phòng quản lý khoa học, Viên phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; bà Nguyễn Thu Hà – Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh; bà Tô Thị Hương Lan – Phó giám đốc sở Công thương và đại diện sở Nông nghiệp tỉnh Thái Bình cùng các hợp tác xã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị trong tỉnh tham dự.
Toàn cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mê Linh đã báo cáo về thực trạng phát triển sản xuất và tiêu thụ gạo tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng. Từ năm 2016, sau khi tổ chức lại hoạt động của Hợp tác xã theo luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mê Linh đã xây dựng mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và các hộ thành viên, đảm bảo số lượng, chất lượng, hợp đồng liên kết sản xuất. Chính vì vậy Hợp tác xã được các thành viên hết sức tin tưởng, thực hiện và triển khai theo các kế hoạch của Hợp tác xã, mở rộng sản xuất và điều chỉnh cơ cấu, đưa những giống lúa chất lượng, giống lúa sản xuất theo nhu cầu thị trường và khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Linh- Giám đốc HTX DVNN Mê Linh báo cáo tham luận
Hiện nay, tỉnh Thái Bình có diện tích trồng lúa khoảng 77.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa ngắn ngày, năng suất và chất lượng chiếm 30 - 35%/ha. Năng suất lúa của Thái Bình nằm trong nhóm cao nhất cả nước, đạt 1000 tấn/năm, bình quân đạt 132 tấn/ha. Về chất lượng gạo và thị trường tiêu thụ hiện nay: Gạo Thái Bình phần lớn trồng các giống lúa năng suất và chất lượng như: T10, DT68, ĐS1, RVT, giống lúa Nhật và có 7 sản phẩm gạo được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên gạo Thái Bình chủ yếu được tiêu thụ trong nước, số lượng gạo xuất khẩu không cao và chỉ xuất sang một số thị trường dễ tính.
Để phát triển thương hiệu gạo trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực quan trọng của tỉnh, thể hiện được bản sắc và văn hóa, lịch sử nền văn minh nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cần phải tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích trồng lúa năng suất, chất lượng và có khả năng chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruông đất và phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho các Hợp tác xã xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội đồng, kênh mương dẫn nước đảm bảo vệ sinh đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất theo quy trình kỹ thuật, tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường./.
Minh Trang