Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường năm 2020
Ngày: 19/09/2024
Thái Bình là tỉnh có tỷ trọng ngành nông nghiệp lớn với khoảng 75.000ha lúa, được gieo trồng mỗi vụ và gần 50.000ha gieo trồng rau màu. Bình quân mỗi năm, người nông dân nơi đây sử dụng hàng chục tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và bao bì phân bón các loại. Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân cùng cộng đồng dân cư tại các vùng nông nghiệp, góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước, hạn chế ô nhiễm đất, không khí và tiến tới sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn cao hơn.

Bà con thành viên 2 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Xuyên và HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên tham gia tập huấn

Nhận thấy tình hình bức thiết này, ngày 19/9/2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp cùng Đảng ủy, UBND xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải tổ chức lớp Tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường 2020; Triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nông nghiệp.

Tham dự lớp tuyên truyền có 207 bà con là thành viên Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Xuyên và HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên.

Qua lớp tuyên truyền, thành viên hai HTX được nghe, được hiểu hơn về Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và nhận thức rõ hơn về mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nông nghiệp.

    Để giảm thiểu rác thải trong sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tham gia hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; triển khai các biện pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xử lý, cải tạo môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn đó nhiều thách thức đối với tốc độ phát triển của nền chăn nuôi ở các nước trong khu vực và trên thế giới, ngành chăn nuôi có những tiến bộ về mặt chất lượng, như con giống, chất lượng thịt và năng suất chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cùng với xu hướng đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật nên ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao. Hiện nay một số trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh hệ thống ống dẫn nước, hệ thống thu gom nước thải chưa đảm bảo, việc xả thải chăn nuôi chưa được quản lý tốt,  bao bì đựng thức ăn, chai lọ thuốc thú y... chưa được thu gom, tập kết và xử lý một cách đồng bộ, dẫn đến tình trạng chăn nuôi phát triển thì ô nhiễm môi trường cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận.

Trong sinh hoạt hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt càng ngày càng tăng lên. Đặc biệt rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi từ đường giao thông nông thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ, sông... chỗ nào tiện là vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt một cách tùy tiện, gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của mọi người không cao. Vấn đề này hiện rất đáng báo động, do mọi người coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội. Một vấn đề nữa là đa phần người dân không tự xử lý phân loại rác nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.

Nguyễn Xuân Sỹ

Thống kê truy cập:466649
Số người trực tuyến: 227