Trồng cây dược liệu - hướng đi mới hiệu quả kinh tế cao
Ngày: 19/12/2024
Cây dược liệu được xác định là hướng đi mới, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây dược liệu giá trị cao như kim ngân, đinh lăng, cà gai leo, ngưu tất, xạ can, khổ sâm và địa liền thay thế các cây trồng kém hiệu quả.

Cây ngưu tất giúp nhiều nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) làm giàu.

Vùng sản xuất cây dược liệu tại xã Song Lãng (Vũ Thư) của anh Đào Trọng Huyền là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp bền vững. 3ha trồng kim ngân và địa liền đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt, hứa hẹn đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Huyền chia sẻ: Từ khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả, cho thuê để phát triển sản xuất, với nguồn đầu ra sẵn có, tôi đã thuê 10ha ruộng, trong đó 3ha trồng cây dược liệu, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động nông nhàn tại địa phương với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Lưu, Giám đốc HTX DVNN Song Lãng cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu của anh Huyền không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết được bài toán từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình quy thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đưa máy móc vào sản xuất.

Tại xã Thống Nhất (Hưng Hà), cây ngưu tất đã trở thành “cây làm giàu” của nhiều nông dân. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển bền vững của cây dược liệu tại Thái Bình. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Việc trồng cây dược liệu không quá phức tạp và cho thu nhập cao. Vụ đông năm nay, toàn xã trồng 90ha ngưu tất, chiếm 44% diện tích vụ đông, 20ha khổ sâm và một số cây rau màu khác. HTX còn liên kết với các công ty dược tại Hà Nội và Thái Bình để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn An Mai, xã Thống Nhất chia sẻ: Gia đình tôi duy trì trồng 6 sào ngưu tất gần 10 năm nay. Mỗi sào mang lại sản lượng gần 1 tấn củ, cho thu nhập 18 triệu đồng, tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ đông - cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Đây là nguồn động lực lớn để nhiều hộ nông dân tại địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.

Vùng trồng cây dược liệu của anh Đào Trọng Huyền, xã Song Lãng (Vũ Thư).

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc phát triển cây dược liệu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai và lao động nông nghiệp. Những người nông dân vốn quen với cây lúa, cây màu nay đã chuyển sang trồng cây dược liệu với niềm hăng say và khát vọng làm giàu. Điều này tạo ra không khí lao động khẩn trương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, cây dược liệu còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. So với nhiều loại cây trồng khác, cây dược liệu yêu cầu ít hóa chất và phân bón hơn, giúp cải thiện chất lượng đất và bảo vệ hệ sinh thái. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Dù mang lại nhiều lợi ích, việc phát triển cây dược liệu tại Thái Bình vẫn đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự ổn định, phụ thuộc nhiều vào các thương lái và công ty thu mua. Kỹ thuật canh tác cây dược liệu còn hạn chế, cần được nâng cao thông qua các chương trình tập huấn và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch cũng cần được đầu tư để gia tăng giá trị sản phẩm. Vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương cần hỗ trợ nông dân thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp nâng cao chất lượng cây dược liệu, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Hơn nữa, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu Thái Bình, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Việc phát triển cây dược liệu tại Thái Bình là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực phát triển bền vững. Đồng thời, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa và mở rộng sản xuất trên diện tích lớn để hướng đến sản xuất hàng hóa.

Nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) chăm sóc cây dược liệu ngưu tất.

Theo Báo Thái Bình

Thống kê truy cập:466431
Số người trực tuyến: 134