Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Ngày: 26/10/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 25/10/2023 kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được thành lập theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 22/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thành Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể (Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng và giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo

Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng ban thường trực); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Giao thông vận tải; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.

Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trong trường hợp có thay đổi đại diện lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan có văn bản báo cáo gửi Thường trực Ban Chỉ đạo để bổ sung, điều chỉnh thành viên Ban Chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm kiện toàn Văn phòng Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thành Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể để giúp việc cho Ban Chỉ đạo; trên cơ sở sử dụng bộ máy của Cục Kinh tế hợp tác và công chức kiêm nhiệm của bộ, cơ quan liên quan; bảo đảm không tăng thêm tổ chức bộ máy và phát sinh biên chế công chức.

Quyết định 1242/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (25/10/2023) và thay thế Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 22/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo Chinhphu.vn

Thống kê truy cập:466481
Số người trực tuyến: 153