Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Với nhiều chính sách hỗ trợ, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Thu hoạch khoai tây vụ đông tại xã Vũ An (Kiến Xương).
Năm 2018, THT chăn nuôi và sản xuất gia cầm giống xã Thụy Việt (Thái Thụy) đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí; đồng thời, liên kết, tương trợ nhau trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, vì vậy thành viên yên tâm sản xuất, có lãi cao.
Ông Nguyễn Văn Thoa, tổ trưởng THT cho biết: Chúng tôi, những người trực tiếp chăn nuôi xác định việc gắn kết với nhau theo mô hình chuỗi liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu phải thực hiện. Vì thế chúng tôi đã xây dựng nhóm liên kết về gia cầm với 35 hội viên. Năm 2018, được các cấp hỗ trợ nâng cấp nhóm lên THT, nhận thức của các thành viên và liên kết trong tổ được chú trọng hơn. Chúng tôi đã thực hành chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đầu tư máy tiêm vắc-xin tự động cho gia cầm và xây dựng hồ sơ để chứng nhận đạt thực hành chăn nuôi tốt theo quy trình VietGAHP trong năm 2019. THT chủ động đứng ra tìm kiếm, thỏa thuận với các đơn vị có uy tín trong cung cấp thức ăn, thuốc thú y, vì vậy chi phí đầu vào giảm 15% so với trước. Nhận thức, thói quen chăn nuôi tự do, cá thể dần chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát. Bình quân thu nhập của mỗi hộ thành viên đạt từ 100 - 200 triệu đồng/năm, cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây.
Năm 2018, toàn tỉnh có 434 HTX, 172 THT, trong đó 324 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và thủy sản. Tổng số thành viên của các HTX là 525.595 người. Lãi bình quân của các HTX đạt 92 triệu đồng/năm, thu nhập của người lao động trong HTX đạt 32 triệu đồng/năm. Để tạo điều kiện cho các HTX, THT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành tham mưu triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2025, đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Thái Bình; chủ động tham mưu trong phối hợp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các HTX nông nghiệp tổ chức thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Chương trình phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2017 - 2025 được cụ thể hóa. Trong năm 2018 đã thành lập mới 8 HTX, 1 liên hiệp HTX (đầu tiên trên địa bàn tỉnh), liên kết 4 HTX với tổng vốn điều lệ 1.300 triệu đồng.
Năm 2018, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tham mưu xây dựng và phát triển các mô hình HTX điển hình tiên tiến để nhân rộng trong tỉnh, chú trọng phát triển các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, mô hình HTX gắn với thế mạnh và sản phẩm tiêu biểu của các địa phương. Trong đó, dự kiến triển khai tại một số đơn vị: HTX SXKD DVNN Độc Lập (xã Độc Lập, huyện Hưng Hà), HTX SXKD DVNN Điệp Nông (xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà), HTX DVNN Thụy An (xã Thụy An, huyện Thái Thụy)... nhằm từng bước xây dựng thương hiệu của một số nông sản chủ lực: tỏi, rau màu các loại.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện cho 9 đơn vị tham gia chương trình xúc tiến thương mại với 8 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh do các HTX, doanh nghiệp thành viên sản xuất như ổi, cơm cháy, tỏi, trà thảo dược...; 10 HTX và 2 doanh nghiệp thành viên tham gia xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng.
Các HTX, THT thực sự là “bà đỡ” cho nông dân bởi không chỉ dẫn dắt, trợ giúp nông dân mà còn cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao và là đối tác kinh tế thay nông dân kết nối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các HTX hoạt động theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; phần nhiều HTX chưa có chuyển biến rõ nét trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần tập trung xây dựng một số mô hình HTX hoạt động thực sự nổi trội để học tập, nhân rộng; tránh tình trạng thành lập các HTX theo phong trào mà cần căn cứ trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi ích HTX đối với từng địa phương. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, cần chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng cường chuỗi liên kết các thành phần kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Baothaibinh.com.vn