Để nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, hợp tác xã (HTX) có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất.
Thu mua dưa gang vụ hè thu tại xã Vũ An (Kiến Xương).
Sản xuất tràn lan theo kinh nghiệm, được mùa - mất giá là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì tại xã Vũ An (Kiến Xương), vấn đề này đã được giải quyết. Đó là nhờ sự chủ động của HTX SXKD DVNN xã Vũ An đã ký kết hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Nhờ vậy, nông dân sản xuất có tính định hướng theo nhu cầu thị trường, yên tâm đón nhận cây trồng mới.
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An cho biết: Vụ xuân vừa qua, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua 13 tấn đậu tương, rau với giá bán 8.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 2 triệu đồng/sào cho thành viên. Vụ hè, HTX ký hợp đồng cung ứng 400 tấn dưa gang cho Công ty TNHH MTV Nguyễn Đức Cường. Vụ đông tới, theo kế hoạch, Vũ An sẽ tiếp tục đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, cây dược liệu vào sản xuất. Để nâng cao thu nhập cho thành viên, thời gian qua, HTX đã tích cực đưa các giống cây trồng mới có liên kết bao tiêu vào sản xuất thông qua các buổi đi thực tế, tham quan mô hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai sản xuất hiệu quả ở địa phương.
HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh. HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản như: Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, HTX Tiến Triển... Từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo quy trình canh tác an toàn kết hợp với bao tiêu sản phẩm như: kê, rau các loại, đỗ tương rau, ngô ngọt... giúp kết nối, tiêu thụ hàng trăm héc-ta rau màu mỗi năm cho thành viên.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 151 tổ hợp tác và 427 HTX, trong đó có 318 HTX nông, lâm, ngư nghiệp. Đã có 210 HTX tham gia liên kết với các doanh nghiệp thực hiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết là 9.766ha. Tuy số lượng HTX tham gia liên kết nhiều nhưng diện tích có hợp đồng liên kết vẫn còn rất ít so với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh (chiếm trên 4%). 210 HTX tham gia liên kết nhưng số HTX xây dựng được liên kết thực sự bền vững như HTX Điệp Nông, HTX Vũ An... vẫn còn rất ít. Đa số các liên kết sản xuất chưa sâu, không bền vững, hiệu quả chưa cao bởi nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của liên kết của nông dân, nội lực của các HTX còn yếu, sản xuất tràn lan nên sức cạnh tranh của sản phẩm không cao...
Hợp tác xã có vai trò quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững.
Đồng hành cùng các HTX trong việc giải bài toán đầu ra cho nông sản, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên. Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức cho 10 đơn vị thành viên tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với 8 gian hàng quảng bá, giới thiệu nông sản, thủ công mỹ nghệ được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Bám sát nội dung thống nhất trong buổi làm việc giữa Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh tháng 3 vừa qua, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, từ đó nhân ra diện rộng.
Theo Baothaibinh.com.vn