Những thuận lợi, khó khăn của kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024
Ngày: 11/01/2024

Năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong nước và quốc tế trong đó có ngành nông nghiệp: ảnh hưởng của tình hình thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, lạm phát, giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, thời tiết, dịch bệnh diễn biến tương đối phức tạp,..  Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận; thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng ... Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng và là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, nhất là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả,…

Kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình (trong đó các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng) đã vượt qua khó khăn, tạo nên những kết quả nổi bật: tăng đáng kể diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất với quy mô lớn, hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, giúp giảm chi phí sản xuất; công tác tái đàn được đẩy mạnh, đàn gia súc gia cầm tăng về số lượng, chất lượng, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt; cơ cấu con giống chuyển biến tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị; vòng quay sản phẩm được nâng lên; chương trình phát triển sản phẩm OCOP được các địa phương, đơn vị tích cực hưởng ứng; hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đã có nhiều đổi mới,…

Năm 2024 là năm có vai trò rất quan trọng, quyết định thắng lợi trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 – 2025) và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trong bối cảnh thế giới, trong nước và trong tỉnh được dự báo tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn thách thức đan xen.

Về thuận lợi: động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững tiếp tục phát huy trong năm tới. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo sẽ tăng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi tăng lên, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao; sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 (theo dự báo của WB) điều này sẽ tiếp tục tác động đến giá lương thực thực phẩm; một số tổ chức tài chính trên thế giới đưa ra dự báo giá lúa gạo sẽ vẫn ở mức độ cao trong năm 2024 và 2025, tuy nhiên, khó có thể cao so với 2023, nhưng vẫn cao do nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi sản lượng gạo trên thế giới không tăng nhiều.

Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã 2023  có hiệu lực từ 01/7/2024, các tổ hợp tác, HTXliên hiệp HTX sẽ được hỗ trợ các chính sách: chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; chính sách đất đai; chính sách thuế, phí và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết cấu trang thiết bị; chính sách hỗ trợ, tư vấn tài chính, đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Văn bản quy phạm pháp luật này được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã, phát huy các lợi thế, tăng sức cạnh tranh.

Về khó khăn: dự báo năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn   do tác động của El Nino; giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, bên cạnh đó lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn được dự báo còn chứa đựng yếu tố bất định, rủi ro; sự phục hồi chậm của các đối tác thượng mại lớn; nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino (Ấn Độ, Nga, UEA cấm xuất khẩu gạo từ cuối năm 2023…); cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc, xuất xứ.

 Với những khó khăn, thách thức, các HTX cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ, đồng thời phải nắm bắt cơ hội để có thể bứt phá: chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các HTX phải nghiêm túc thực hiện các Đề án sản xuất của tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của ngành nông nghiệp; chú trọng xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); các HTX cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX tập trung khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí để có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh: Nghị quyết 40/2020/NQ-HĐND ngày 09/123/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028,…Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, quy mô cấp xã, liên xã, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất, gắn với triển khai đồng bộ các quy trình canh tác theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững nhằm tạo ra vùng sản xuất tập trung với khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với rất nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, đòi hỏi các đơn vị kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra.

Nguyễn Thu Hà - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Thống kê truy cập:364750
Số người trực tuyến: 263