Luật Hợp tác xã 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế; đồng thời loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập của thành viên.
Qua 03 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung (vào các năm 1996, 2003 và 2012), Luật Hợp tác xã đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển các hợp tác xã. Sau 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tập thể nước ta còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 Chương, 115 Điều, tăng 3 chương và 51 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012 (gồm 9 Chương, 64 Điều).
Đặc biệt, Luật đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và dành riêng Chương II cho các nhóm chính sách này để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm: chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; chính sách đất đai; chính sách thuế và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; Bên cạnh đó Luật xây dựng tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của mô hình hợp tác xã, tránh trục lợi chính sách, ưu tiên tổ chức kinh tế tập thể có thành viên là người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều thành viên là phụ nữ,…
Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ địa vị pháp lý của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Điều 111) theo tinh thần Nghị quyết 20 – NQ/TW “Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”
Có thể khái quát chung Luật Hợp tác xã 2023 thành 05 nhóm vấn đề chính, nổi bật gồm:
- Nhóm quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã: Bổ sung phân loại thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức khác, các chuyên gia có thể tham gia góp vốn, góp sức lao động, liên kết sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định việc thành lập hợp tác xã do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, giảm 02 thành viên so với Luật Hợp tác xã năm 2012. Quy định cụ thể 07 nguyên tắc mang tính bản chất hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã quốc tế đưa ra (Điều 8). Bổ sung quy định Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù (nguyên tắc số 3 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế). Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định cụ thể mức trích lập quỹ tối thiểu từ thu nhập của giao dịch bên ngoài là 5% đối với hợp tác xã, 10% đối với liên hiệp hợp tác xã (Điều 85) nhằm bảo đảm quỹ chung không chia, tài sản chung không chia không ngừng phát triển, thu hút cá nhân, tổ chức tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và tài sản chung không chia được quy định tạo thuận lợi hơn để giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có điều kiện đầu tư, tái đầu tư phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia một cách hiệu quả (Điều 84, 89).
- Nhóm quy định mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển: Luật mới trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, 40% vốn điều lệ với liên hiệp hợp tác xã; thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.
- Nhóm quy định nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã: Luật đã bổ sung 01 chương (Chương VIII) về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý: hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động tài chính ngân hàng phải kiểm toán độc lập (Điều 106). Khuyến khích các tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ (Điều 105). Bổ sung thêm tổ chức quản trị rút gọn (không có hội đồng quản trị) cho hợp tác xã siêu nhỏ, liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên được lựa chọn áp dụng, giúp tăng cường hiệu quả, giảm chi phí trong quản lý, điều hành các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ít thành viên (Chương V). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hoạt động quản lý, điều hành của hợp tác xã: như quy định về tổ chức Đại hội thành viên trực tuyến, về bỏ phiếu biểu quyết điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức kinh tế tập thể (Điều 57, 61).
- Nhóm quy định tổ hợp tác và tổ chức đại diện: Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thiết kế riêng một chương (IX) quy định về tổ hợp tác. Các tổ hợp tác khi góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh để thống nhất quản lý nhà nước và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác. Luật đã bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sửa đổi, bổ sung quy định rõ địa vị pháp lý của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Điều 111) theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên; đại diện cho tất cả các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên phạm vi cả nước.
- Nhóm quy định nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể: sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản, số hoá; thành phần hồ sơ bỏ phương án sản xuất kinh doanh; cho phép đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân (Điều 42); Bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm thực hiện giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xoá tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày. Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã (Điều 112) để quản lý thông tin, báo cáo về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thể chế hoá đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và dành một Chương riêng (Chương II) cho các chính sách này để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; chính sách đất đai; chính sách thuế, phí và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, cũng xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, tránh trục lợi chính sách; ưu tiên tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các chính sách chung được hưởng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các lĩnh vực khác thì có thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Điều 28, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
Nguyễn Thu Hà - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh