Nông nghiệp phải chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, có sản phẩm an toàn và phải được sản xuất theo chuỗi
Ngày: 09/07/2019
Sáng ngày 9/7, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là về trồng trọt, chăn nuôi nhưng sản xuất nông nghiệp trong ba năm (2016 – 2018) vẫn đạt kết quả khá; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,28%; cơ cấu ngành có chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. 

Sáu tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.754,3 tỷ đồng, bằng 97,62% so với cùng kỳ năm 2018. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước mắt và thời gian tới chỉ ra mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển, nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ để bù đắp thiếu hụt về thịt lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân; chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống và góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, hiệu quả và bền vững. 

Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 không thấp hơn so với năm 2018; tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2021 – 2025 đạt từ 2,5% trở lên. Trong lĩnh vực trồng trọt, đối với cây lúa, giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục chuyển đổi khoảng 15.000ha sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, tạo thương hiệu cây trồng đặc sản Thái Bình. Đối với cây rau, màu, đa dạng hóa chủng loại, giảm diện tích rau ăn lá, mở rộng diện tích rau ăn quả, rau ăn củ trong đó tập trung nhóm cây rau là nguyên liệu cho chế biến, nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi tại các địa phương có đàn gia súc lớn; phát triển một số cây ăn quả có tiềm năng: mít, chuối, hồng xiêm, ổi… Đối với chăn nuôi, giảm cơ cấu giá trị chăn nuôi lợn và gia cầm, tăng cơ cấu giá trị chăn nuôi trâu bò, phát triển các con vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng. Lĩnh vực thủy sản chú trọng phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi cá lồng trên sông theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 tăng thêm 200 lồng tại các sông lớn, đồng thời thực hiện chuyển đổi một số vùng mới từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp, chỉ ra những kết quả cũng như hạn chế, yếu kém còn tồn tại đồng thời đóng góp những giải pháp tổ chức thực hiện chuyển đổi có hiệu quả thời gian tới.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nói chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nói riêng, đồng thời yêu cầu đối với 3 lĩnh vực chính: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ngành Nông nghiệp cần xác định 2 – 3 giống cây, con chủ lực để ưu tiên phát triển, cần thay đổi tư duy, nhận thức về cơ cấu lại ngành; tìm ra những mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh để nhân ra diện rộng; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất; kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, thời gian qua, tăng trưởng ngành Nông nghiệp tuy khá nhưng thiếu tính bền vững, ở cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều có tiềm năng, thế mạnh tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu nông sản do quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch còn thiếu, yếu ở các địa phương; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không có liên kết ở các khâu vì thế chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm. Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng mờ nhạt, trong khi sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa cao. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian tới phải hướng tới mục tiêu chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa, có sản phẩm an toàn và phải được sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở tuân thủ 5 nguyên tắc: tuân thủ quy luật cung cầu, quy luật giá trị của thị trường từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm; tuyển lựa được bộ giống chuẩn; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường; có sự liên kết để chia sẻ lợi ích, phân bổ rủi ro; phải xác định được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong việc hoạch định, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề ra 5 nhóm giải pháp chính: làm thông nhận thức của các cấp, ngành, người dân về tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm an toàn, sản xuất theo chuỗi; tiếp tục quán triệt các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh thời gian gần đây để có sự điều chỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng những doanh nghiệp “lõi” trong mỗi ngành, lĩnh vực để làm mẫu hình trong quá trình tổ chức sản xuất; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nông nghiệp hữu cơ tiến tới xây dựng thương hiệu. Trong xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đạt, chú trọng thay đổi thực chất đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong chăn nuôi, cần rà soát quy hoạch, bổ sung vùng chăn nuôi, đối tượng con vật nuôi chủ lực, ưu tiên con vật nuôi có thị trường tiêu thụ và khả năng chống chịu dịch bệnh tốt; chú trọng xây dựng bộ giống chuẩn dựa trên nhu cầu thị trường; quy hoạch lại và khuyến khích người chăn nuôi tổ chức chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng quy trình chuẩn để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sản phẩm, khuyến khích hình thành các mối liên kết trong chăn nuôi: tổ, đội, hiệp hội… Bảo tồn và phát triển những gen quý, tăng cường phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi, tiếp tục củng cố hệ thống thú y chăn nuôi.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đối với cây lúa, giai đoạn 2025 – 2030 thực hiện chủ trương tiếp tục giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây khác có giá trị kinh tế cao: dược liệu, cây ăn trái… Khẩn trương quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, cây hàng năm, ưu tiên cây có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định; bảo tồn và phát triển gen quý của các cây trồng vốn có thương hiệu đồng thời tìm kiếm và du nhập những cây có giá trị kinh tế. Chuyển đổi tổ chức sản xuất theo chuỗi, hình thành các quan hệ sản xuất mới, dịch vụ bảo hiểm; tổng kết, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa tầng, nông nghiệp hữu cơ… Trong lĩnh vực thủy sản, rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng trên cơ sở so sánh với các loại hình kinh tế khác, xác định rõ đối tượng chủ lực, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, chú trọng làm thị trường.

Theo BaoThaiBinh.com

Thống kê truy cập:466865
Số người trực tuyến: 106