Thương mại điện tử tạo cơ hội phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả thực chất
Ngày: 26/05/2021

Trong phát triển kinh tế của đất nước, kinh tế nông nghiệp tuy mới đóng góp phần giá trị còn khiêm tốn nhưng lại rất quan trọng bởi vì đem lại sự ổn định về an ninh lương thực, ổn định chính trị xã hội – một yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Để giá trị ngành nông nghiệp cả nước nói chung, của tỉnh Thái Bình nói riêng nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoài yếu tố chính sách của Nhà nước, địa phương thì một yếu tố cũng rất quan trọng đó là thị trường nói chung và thị trường nông sản nói riêng.

Hiện nay, thị trường thương mại đã phát sinh thêm một kênh phân phối hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả đó là thương mại điện tử; thông qua đây đã thúc đẩy rất mạnh mẽ lưu thông các nguồn hàng hóa trong đó có hàng nông sản, một mặt hàng thiết yếu của xã hội. Song hành với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới giúp bà con nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

 Tại một số quốc gia trên thế giới, thị trường thương mại điện tử diễn ra rất mạnh. Tại Việt Nam, xúc tiến thương mại điện tử trên một số sàn giao dịch thông qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- Bộ Công thương Việt Nam đã và đang được triển khai.

Khi tham gia vào thương mại điện tử sẽ có cơ hội mở rộng số lượng và đối tượng khách hàng tiêu dùng (cả người tiêu dùng trực tiếp và các HTX, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp); việc mua bán, điều tiết hàng hóa từ nơi thừa sang chỗ thiếu diễn ra linh hoạt và nhanh chóng giúp cho việc tiêu thụ được nhanh gọn, hiệu quả bằng nhiều hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng trực tiếp giữa các bên hay thông qua một tổ chức chuyên nghiệp,…

Để tham gia thương mại điện tử và được thị trường này chấp nhận một cách lâu dài và bền vững thì các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân cần đáp ứng một hay một số các điều kiện sau:

Thứ nhất: có sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và chế biến đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm - đây là yếu tố đầu tiên quyết định việc sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không;

Thứ hai: đã và đang tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng của Nhà nước chứng nhận đối với sản phẩm hàng hóa hay chưa về một số các tiêu chuẩn như: Vietgap, OCOP, … đây là yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng như một tấm thẻ đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài hay không của sản phẩm hàng hóa trên không chỉ thị trường truyền thống và cả thương mại điện tử;

Thứ ba: thông tin về sản phẩm phải rõ ràng, có hướng dẫn cho khách hàng tiêu dùng đầy đủ các vấn đề liên quan đến sử dụng sản phẩm hàng hóa như: cách bảo quản, thời gian sử dụng tối ưu của sản phẩm,…- yếu tố này giúp cho việc phát huy tối đa công dụng của sản phẩm hàng hóa;

Thứ tư: có phương tiện thông tin nghe nhìn hiện đại, phù hợp với năng lực sản xuất: điện thoại thông minh, máy quay camera hay máy ảnh,…- yếu tố này giúp cho việc đưa hình ảnh sản phẩm hàng hóa nên thị trường được rõ nét, phản ánh chân thực nhất về hình thức của sản phẩm, hàng hóa;

Thứ năm: có cách quảng cáo phù hợp với sản phẩm, hàng hóa - yếu tố này làm tăng quy mô khách hàng tiêu dùng bởi các khách hàng tiềm năng của thị trường là rất lớn;

Thứ sáu: cần có sự tham khảo và hiểu biết nhất định về một số ứng dụng trên không gian mạng Internet như: ứng dụng bán hàng (Sales application): Viettel Post, Voso.vn, Sendo.vn và Tiki hay Amazon,…- yếu tố này giúp cho việc mở rộng số lượng cũng như quy mô thị trường (thị trường trong nước và quốc tế) cho đơn vị, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động kinh tế cho phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại và tương lai.

          Có thể thấy rõ hiệu quả từ việc tham gia thương mại điện tử, nó giúp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nói chung nhất là kinh tế nông nghiệp nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trao đổi nhanh nhất; thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; tăng cường đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại; dần hình thành thêm những vùng sản xuất mang thương hiệu cho địa phương từ đó góp phần vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đáp ứng mục tiêu của tỉnh trong đó có “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững”.

Vũ Hồng Khanh

Thống kê truy cập:466852
Số người trực tuyến: 121