Xây dựng mô hình Tổ hợp tác góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay
Ngày: 22/07/2019
Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hơn nữa theo tinh thần Quyết định 460/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” thì cần giải quyết được vấn đề then chốt là bài toán đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của các thành viên hợp tác xã (HTX), hộ nông dân.

Bên cạnh sự nỗ lực của các hợp tác xã nông nghiệp thì cũng cần xây dựng và phát triển các mô hình Tổ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại để góp phần thúc đẩy sự liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho các thành viên.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì “bên cạnh việc phát triển HTX, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác, đây là nguồn để phát triển lên hợp tác xã, đảm bảo cho mực tiêu 15.000 HTX đến năm 2020” (trích từ nguồn báo Chính phủ- năm 2018).

Hiện tại, có những hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã làm rất tốt việc liên kết bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho các hộ nông dân, tuy nhiên còn nhiều HTX chưa làm tốt việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho các hộ thành viên. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, bên cạnh việc củng cố, phát huy vai trò của các HTX, cần chú trọng phát triển, hình thành các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Các tổ hợp tác này, được hình thành có thể là độc lập hoặc trực thuộc HTX nông nghiệp.

Nếu thành lập tổ hợp tác độc lập (tự chủ hoàn toàn về tài chính, về nhân tố con người) sẽ tạo cho tổ hợp tác có tính độc lập và tự chủ rất cao về kế hoạch, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh; phát huy được tính gắn bó, chia sẻ trong cộng đồng, dòng tộc, làng xã; cạnh tranh tốt hơn với các tư thương hay tổ chức hoạt động cùng lĩnh vực; tạo ra sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với HTX nông nghiệp trên địa bàn. Tạo nên tính chuyên môn hóa cao trong từng công đoạn, từng lĩnh vực hoạt động, từ đó kích thích tổ chức này tăng cường tư duy và phát huy tối đa sức sáng tạo của tất cả các thành viên; nắm bắt tốt hơn nhu cầu của thị trường trong từng thời kỳ để đưa ra kế hoạch tiêu thụ, từ đó tác động trực tiếp đến các hộ thành viên trong việc trồng cây gì, số lượng bao nhiêu, mẫu mã sản phẩm,... sẽ tránh được việc cung vượt quá cầu của thị trường, từ đó sẽ không còn hiện tượng “giải cứu” hàng nông sản như những năm qua.

Với mục tiêu cao nhất là gia tăng và bảo toàn nguồn vốn nên trong mọi hoạt động của tổ chức sẽ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí đồng thời tăng cao tính trách nhiệm của mỗi thành viên, chủ động và đa dạng trong việc tìm các đối tác (các công ty, doanh nghiệp), thúc đẩy vấn đề tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, không bị lệ thuộc vào một đối tác, sẽ tránh được bị ép giá khi nông sản được mùa mà nhiều năm qua đã diễn ra đối với một số loại nông sản (được mùa thì mất giá).

Khi tổ hợp tác thương mại hình thành và đi vào hoạt động sẽ là cầu nối  giữa các công ty, doanh nghiệp với các hộ nông dân, từ đó đem lại hiệu quả cho không chỉ cho thành viên tổ hợp tác và các hộ, cá nhân sản xuất nông nghiệp (đảm bảo mức giá phù hợp với chi phí và công sức lao động cho hộ sản xuất) mà còn đem lại sự đảm bảo chắc chắn cho những đối tác là các công ty, doanh nghiệp vì sẽ tránh được tổn thất về kinh tế, khắc phục tình trạng một số công ty, doanh nghiệp khi ký hợp đồng với HTX nông nghiệp về việc thu mua sản phẩm, hàng hóa của các hộ nông dân nhưng đến vụ thu hoạch thì bà con nông dân đem bán sản phẩm ra thị trường tự do với giá cao hơn hoặc ngược lại khi giá cao thì công ty, doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân nữa làm cho mất lòng tin giữa hai bên (doanh nghiệp với HTX) dẫn đến hệ lụy đó là các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp địa phương không muốn liên kết với nhau nữa và cũng từ đó mà các tư thương có điều kiện ép giá sản phẩm đối với thị trường tại đại phương.

Tổ hợp tác xã thương mại - chủ yếu là kinh doanh sản phẩm hàng hóa nông sản tại địa phương có lẽ là giải pháp tốt cho việc liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ nông sản cho đại đa số các thành viên trong HTX nông nghiệp tại nhiều địa phương trong hiện tại và tương lai và khi hoạt động tốt sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho việc hình thành nên hợp tác xã đáp ứng nhu cầu của các hộ nông dân và nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành.

Vũ Hồng Khanh

Thống kê truy cập:466870
Số người trực tuyến: 99