Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Minh thành công trên 3 trụ cột
Ngày: 02/04/2019
Trải qua 22 năm với nhiều khó khăn, thử thách, song Quỹ tín dụng nhân dân Bình Minh vẫn luôn vững vàng phát triển trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân Bình Minh đang là một trong những quỹ tín dụng dẫn đầu hệ thống quỹ tín dụng tỉnh Thái Bình.

Thành công của Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (quỹ TDND) nói chung đã được Đảng và Nhà nước đánh giá là một mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả nhất. Trong thông điệp của Liên minh HTX quốc tế có đoạn viết “Chúng ta có thể nhận thấy rằng quỹ TDND thậm chí không bị suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính, quỹ TDND vẫn giữ mức tăng trưởng đều và không nóng vội”.

Quỹ TDND Bình Minh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là quỹ ra đời cuối cùng trong giai đoạn thí điểm tại Thái Bình. Ngày 12 tháng 01 năm 1997 quỹ bắt đầu khai trương và đi vào hoạt động. Quỹ TDND Bình Minh hoạt động theo nguyên tắc: độc lập - tự chủ - tự chịu trách nhiệm và với mục tiêu tương trợ cộng đồng.

Đến nay quỹ đã hoạt động được 22 năm. Hoạt động của Quỹ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

  Là quỹ "sinh sau đẻ muộn", tập thể cán bộ nhân viên (CBNV) trong Quỹ hiểu rất rõ con đường mình đi có những khó khăn đó là: về cơ sở vật chất bắt đầu từ con số không; về con người thì thiếu kinh nghiệm lại chưa qua đào tạo và thiếu cả về số lượng; về lòng tin còn có những hoài nghi, dư âm đổ vỡ của các hợp tác xã tín dụng trước đây…

Xác định được những khó khăn và thử thách đó, tập thể cán bộ nhân viên Quỹ xác định đây là 3 trụ cột mà Quỹ TDND phải xây dựng. Tập thể CBNV đoàn kết đồng lòng, không thể để "cái khó bó cái khôn" mà phải vươn lên và xác định "cái khó ló cái khôn". Bằng việc làm và càng làm càng thấy niềm tin, chỉ sau 3 năm Quỹ đã lọt vào tốp 10, rồi tốp 5 và tốp 3 và từ năm 2018 quỹ đã vươn lên dẫn đầu 85 quỹ của Thái Bình.

Quỹ tín dụng nhân dân Bình Minh với phương châm hoạt động : "Nếu bạn chưa hài lòng - Chúng tôi sẽ cố gắng"

Các sáng lập viên đã gắn bó với Quỹ từ lúc sơ khai, những thuận lợi cũng được hưởng nhiều, những khó khăn cũng đã từng nếm trải, nhưng các cán bộ Quỹ luôn có niềm tin: tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào cơ chế, chính sách của Nhà nước và tin vào sự ủng hộ của nhân dân. Bởi vì quỹ TDND ra đời dựa trên nguyện vọng của nhân dân, mọi mục tiêu hoạt động đều hướng về nhân dân. Do đó, các sáng lập viên đã xác định và xây dựng Quỹ trên 3 trụ cột:

Về cơ sở vật chất: Từ lúc mang nhà riêng của Giám đốc Quỹ ra cho Quỹ làm trụ sở (chỉ thu 30.000đ một tháng), cho đến hiện nay Quỹ có trụ sở to đẹp nhất trong hệ thống quỹ TDND tỉnh Thái Bình. Cùng với hai phòng giao dịch được xây dựng ở 2 xã Hòa Bình và Thượng Hiền với tổng diện tích 1.000 m2 khang trang lịch sự, đầy đủ tiện nghi và thuận tiện cho thành viên đến giao dịch. Có thể nói Quỹ đã nỗ lực hết minh cho diện mạo của quỹ tín dụng.

Về con người: Xác định đây là nhân tố hết sức quan trọng, thành - bại trong mọi hoạt động và là nhân tố phát triển nên quỹ đã chú trọng từ khâu tuyển dụng, đến đào tạo, tập huấn, cầm tay chỉ việc. Quỹ đã có kế hoạch, định hướng phải tuyển nhưng con người có trình độ, kỹ năng, tâm huyết, yêu nghề. Trong công tác đào tạo, Quỹ tạo điều kiện tối đa về thời gian và tài chính để cán bộ có điều kiện theo học nâng cao và chuyên sâu chuyên môn nghiệp vụ. Quá trình làm việc Ban lãnh đạo Quỹ đã cân nhắc, đánh giá và phân công công việc để mỗi cán bộ có thể phát huy tối đa sở trường của mình. Hội đồng quản trị cũng đã dân chủ, công khai trong hoạt động, xây dựng mối đoàn kết nội bộ trong sáng. Khi thuận lợi thì cả tập thể nỗ lực phát huy, lúc khó khăn thì cùng chia sẻ theo phương châm "ấm cùng reo, rét cùng run".

  Từ lúc số cán bộ nhân viên của Quỹ chỉ có 6 người, 3 người phải kiêm nhiệm, đến nay Quỹ đã có 19 cán bộ nhân viên, trong đó 11 là đảng viên. Về trình độ chuyên môn: 9 người có trình độ đại học, 8 trung cấp và 2 sơ cấp, hầu hết cán bộ đã qua lớp đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng. Quỹ đã hỗ trợ 100% tiền học phí và đào tạo 8 cán bộ biết và có bằng lái xe cho cán bộ trong quỹ.

Sử dụng cán bộ với quan điểm "giỏi một việc biết nhiều việc", nên sau nhiều năm, đội ngũ cán bộ đã dần thể hiện sự chuyên nghiệp trong hoạt động, luôn đổi mới phương thức làm việc, giao dịch, hướng về thành viên và khách hàng, coi thành viên và khách hàng là tiền đề cho sự thành công của quỹ TDND, nên công việc của quỹ luôn vận  hành trôi chảy, thuận lợi.

  Còn về lòng tin: Trong khi dư âm trên 8.000 HTX tín dụng đổ vỡ. Lòng tin, sự hoài nghi về thành công của mô hình này luôn là dấu hỏi lớn. Tại thời điểm những năm 1997, Thái Bình đã cho ra đời 78 quỹ TDND, Quỹ tín dụng Bình Minh là quỹ thứ 78, là Quỹ cuối cùng trong thời thí điểm. Một ký ức không thể nào quên đối với những sáng lập viên lúc bấy giờ: Đồng chí Chủ tịch UBND xã Bình Minh ký Văn bản đồng ý cho thành lập Quỹ TDND trong buổi chiều, đêm đến gõ cửa xin lại văn bản đã ký buổi chiều, với lý do để bàn thêm! Lại thêm một lần nữa, ban vận động đến từng nhà có khả năng về kinh tế để thuyết phục nhưng họ đều từ chối gia nhập. Nhưng với sự quyết tâm của ban vận động, các thành viên sáng lập đã tuyên truyền giải thích, vận động và cuối cùng chính quyền địa phương đã hiểu, các thành viên đã ủng hộ và đồng ý cho thành lập Quỹ tín dụng nhân dân. Nếu những con người trong ban vận động nhụt chí, thiếu niềm tin thì không thể có một Quỹ tín dụng nhân dân Bình Minh phát triển như hôm nay.

  Quỹ tín dụng ra đời là hợp nguyện vọng của dân, với sự quyết tâm cao của các đảng viên trong quỹ, được Ngân hàng Nhà nước sâu sát, bắt đầu là "cầm tay chỉ việc" và đặc biệt được Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương khu vực tỉnh lúc đó (nay là Ngân hàng hợp tác Thái Bình) cho vay những đồng tiền mang ý nghĩa sống còn. Khi mới thành lập, Quỹ chưa tự cân đối được vốn, huy động không đủ, phải cần đến vốn vay. Ông Phạm Thành Long, Giám đốc Quỹ TDND Bình Minh chia sẻ: Ông không thể nào quên, vào những tháng đầu năm 1997, buổi sáng, QTD đi vay Quỹ tín dụng khu vực tỉnh được 5.000.000đ về cho thành viên vay và giải ngân hết, đến chiều một thành viên ra vay, Quỹ chưa có tiền để cho vay, hẹn hôm sau sẽ giải quyết, họ liền loan tin "Quỹ TDND hết tiền rồi"; cũng may, sự việc không xảy ra nghiêm trọng.

  Đến nay, tình thế đã thay đổi rất nhiều, Quỹ đã huy động đủ vốn để cho thành viên vay; những lúc thiếu vốn, Quỹ được Ngân hàng Hợp tác phục vụ đầy đủ, thuận lợi, kịp thời; mối liên kết giữa Quỹ và Ngân hàng Hợp tác ngày càng bền chặt và là sự tối cần thiết, không thể tách rời.

  Có được lòng tin của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng như nhân dân không đơn giản, cũng không phải một sớm một chiều; tập thể cán bộ nhân viên Quỹ TDND Bình Minh vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, bền bỉ với công việc, để đến bây giờ Quỹ có được lòng tin tuyệt đối với Đảng ủy, chính quyền và với nhân dân 3 xã. Đây là cả một quá trình phát triển dầy công vun đắp của các thế hệ cán bộ nhân viên Quỹ. Để Quỹ TDND có điều kiện hoạt động và phát huy hiệu quả, cả 3 xã (xã có trụ sở chính và 2 xã mở rộng địa bàn) đều cấp đất cho Quỹ để xây dựng trụ sở làm việc và giao dịch, khách hàng và thành viên đều đánh giá cao sự nỗ lực của Quỹ trong những năm qua và luôn thể hiện thân thiện với quỹ.

Hiện nay quỹ đang hỗ trợ tối đa cho các thành viên về các thủ tục về lệ phí hồ sơ. 6 tháng một lần quỹ chuyển tiền cho Ủy ban nhân dân 3 xã để góp phần giảm và chống nạn tín dụng đen tại địa phương.

Từ những cố gắng, những nỗ lực phấn đấu, đến nay Quỹ tín dụng nhân dân Bình Minh hoạt động trên  địa bàn 3 xã, với sự tham gia của trên 3.400  thành viên, tổng nguồn vốn 240  tỷ đồng, vốn huy động trên 225 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 218 tỷ đồng. Vốn tín dụng được đầu tư chủ yếu cho phát triển nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và các nhu cầu về đời sống. Ngoài vốn từ các chương trình, vốn chính sách xã hội, còn lại các nhu cầu của nhân dân trong 3 xã mà Quỹ hoạt động hầu hết do Quỹ đầu tư. Năm 2014 quỹ đã chi gần 250 triệu đồng cho xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của 3 địa phương đang thay đổi từng ngày, các địa phương đều cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đã về đích cả 3 xã. Quỹ luôn quan tâm đến công tác xã hội, từ thiện, đóng góp cho việc xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2007 tới nay quỹ đã  trích vào kinh phí hoạt động trên 450 triệu đồng cho khuyến học của 3 xã,  trên 1.000 cháu được nhận phần thưởng mỗi năm. Năm 2018, quỹ đã chi 72 triệu đồng cho quỹ khuyến học của 3 xã.  

Trước cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quỹ TDND Bình Minh vẫn hoạt động phát triển tốt trên địa bàn 3 xã với 3400 thành viên, tổng nguồn vốn 250 tỷ (đứng trong tốp đầu của tỉnh). Với sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ nhân viên trong quỹ, Quỹ TDND Bình Minh nhiều năm qua được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình, các cấp chính quyền tặng Bằng khen, Giấy khen và nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân cán bộ nhân viên Quỹ.

Trong thời gian tới, để các quỹ TDND làm tốt hơn vai trò của mình, tôi xin có mấy kiến nghị:

Một là: Hiện nay địa bàn hoạt động của quỹ TDND đã rộng, lại rất gần dân, sát dân. Đội ngũ cán bộ nhân viên các quỹ đã thành thạo các công việc, các quỹ đều có tài khoản thanh toán nên việc chi trả tiền lương hưu, tiền lương cán bộ công chức trên địa bàn hoạt động là hoàn toàn khả thi. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu chuyển giao cho các quỹ TDND thì sẽ giảm tải các cây ATM.

Hai là: Theo Chỉ thị 57 của bộ chính trị mục tiêu của quỹ TDND là tương trợ cộng đồng không vì lợi nhuận, mặt khác các quỹ TDND là đơn vị bán lẻ món vay nhỏ chi phí cao, nên khi xếp loại quỹ TDND cần có tiêu chí riêng không chung với các ngân hàng thương mại.

Ba là: Hiện nay, các quỹ TDND đang đóng 2 loại phí là phí bảo hiểm tiền gửi và phí an toàn hệ thống, thực chất 2 loại phí này nhằm đảm bảo an toàn, nhưng để giảm bớt chi phí cho các quỹ TDND, Nhà nước nên nghiên cứu cho phép quỹ TDND chỉ góp 1 loại phí là phí cho Quỹ bảo toàn hoặc góp 2 loại phí thì tỷ lệ 2 loại phí này cộng lại nên bằng phí đóng cho Bảo hiểm tiền gửi (0,15%), có như vậy thì năng lực tài chính của mỗi quỹ mới khoẻ.

Bốn là: Quỹ TDND là lạo hình kinh tể HTX, kinh doanh chuyên ngành Tiền tệ - Loại hình kinh doanh có điều kiện chỉ có 2 cấp TW và cơ sở, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở trên nguyên tắc không áp đặt chủ quan vào sự hoạt động của quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho quỹ hoạt động đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả.

Phạm Thành Long - Giám đốc Quỹ TDND Bình Minh

Thống kê truy cập:257838
Số người trực tuyến: 37