Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Minh Tân với sản phẩm OCOP từ cây phát lộc làm giàu cho quê hương
Ngày: 27/10/2023
Năm 2021, HTX DVNN xã Minh Tân (huyện Đông Hưng) đưa sản phẩm từ cây phát lộc của địa phương tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện và là 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên của huyện Đông Hưng được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều địa phương.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đời sống một bộ phận người dân đạt đến mức “khá giả”, nhiều người đã chú trọng đến việc nâng cao đời sống tinh thần như một nhu cầu tất yếu; chính vì vậy nghề trồng cây cảnh phát triển và trở thành một nghề sản xuất đem lại lợi ích kinh tế cao. Nắm bắt được nhu cầu này, HTX DVNN Minh Tân đã khuyến khích các thành viên hợp tác xã mở rộng diện tích, chú trọng phát triển, nâng cao hình thức, chất lượng các sản phẩm cây cảnh, đặc biệt là cây phát lộc, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và mở rộng thị trường các tỉnh bạn, nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên và người lao động hợp tác xã.

Nghề trồng cây phát lộc và làm tháp phát lộc ở xã Minh Tân đã có hơn 10 năm với trên 80% hộ dân tham gia phát triển nghề. Ưu điểm của loại cây này là rất dễ trồng, phát triển nhanh, giống cây phát lộc rẻ và chi phí chăm sóc thấp, trồng khoảng 1 năm là cho thu hoạch. Để tạo được các chậu cây có nhiều tầng, ra mầm, bật, nhú lộc vào dịp Tết Nguyên đán thì công việc chăm sóc, uốn cây, tạo dáng, bóc lá, cắt cành, làm tháp phải bắt đầu từ tháng 8 âm lịch.  

 Để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và muốn nâng cao giá trị của cây phát lộc, Hợp tác xã đã nghiên cứu, sáng tạo làm ra các sản phẩm phát lộc độc, lạ, đẹp với nhiều hình dạng khác nhau. Nhờ nguồn thu nhập từ cây phát lộc, nhiều người lao động ở Minh Tân đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả, giàu có, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Phát lộc là loại cây dễ trồng, dễ chăm nhưng cái khó của thú chơi cây phát lộc nằm ở việc cắt tỉa, tạo hình. Việc cắt lộc cũng cần phải có kỹ thuật, lúc cắt phải chú ý giữ lại phần đốt để cây có thể nhú mầm ra lá, ra rễ. Muốn có một chậu tháp phát lộc đẹp người làm phải chọn những cây to bằng nhau, đều. Khi cắt cũng phải chú ý cắt cho các đốt lộc có chiều dài bằng nhau. Các mắt lộc phải được bố trí hướng ra ngoài để khi đâm chồi sẽ có một tòa tháp đẹp. Một người làm nghề lâu năm cho hay: “Để tháp phát lộc các tầng cùng “phát” (nảy mầm) một lúc thì phải có kinh nghiệm. Từ đầu năm phải lọc các mầm để khi mang ươm trồng có độ tuổi bằng nhau. Khi cây lớn thì dùng tre, dây căng buộc, bắc giàn để cây lên thẳng. Sau khi hoàn thành sản phẩm khi có gió đông, heo may, thời tiết lạnh,.. cần phải che chắn, điều chỉnh lượng nước trong chậu phù hợp để giữ độ ẩm, sao cho cây điều tiết hút nước đều”. 

Bên cạnh đó, các hộ còn nghiên cứu cải tiến mẫu mã, đưa máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Thay ống nứa bằng ống nhựa, khung sắt, từ cắt cành bằng tay chuyển sang cắt máy vừa nhanh, vừa đều. Không dừng lại ở tháp 3 - 5 tầng, các hộ còn nghiên cứu làm tới 11 - 15 tầng, rồi làm lọ lộc bình cao tới hơn một mét, thuyền, buồm, nậm phát lộc... Để sản phẩm tháp cây phát lộc bắt mắt, gia tăng hương vị cho ngày tết, các hộ còn trang trí thêm vào đó những chiếc nơ đỏ, chữ phát lộc, phát tài, chúc mừng năm mới...

Thực hiện Đề án về Bảo vệ môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí, quy trình công nghệ để hợp tác xã DVNN Minh Tân xây dựng bể ủ phân hữu cơ bón cho cây cảnh, góp phần phát triển hợp tác xã xanh, bền vững.  

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Năm 2021, sản phẩm cây phát lộc được chứng nhận OCOP, sản phẩm có mã vạch, có tem mác, được đưa lên sàn thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ tốt hơn, giá thành cũng cao hơn. Đây chính là động lực để hợp tác xã tuyên truyền các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng tầm chất lượng, gia tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần, cung cấp cho thị trường những sản phẩm độc, lạ, đẹp, có sức cạnh tranh cao. Địa phương cũng hỗ trợ bà con vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ thủ tục chuyển đổi đất trồng cây nguyên liệu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Có một điều rất đặc biệt là dù vẫn là xã thuần nông song nhờ tập trung xây dựng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực là phát lộc, cây đào đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp thành lĩnh vực mũi nhọn đưa Minh Tân từ một xã khó khăn trở thành xã có kinh tế phát triển của huyện.

So với những loại cây trồng khác, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh là hướng sản xuất có tiềm năng, phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp. 

Vì vậy, thời gian tới xã Minh Tân tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh lựa chọn những loại giống mới, cho thu nhập cao vào sản xuất... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thanh Tâm

Thống kê truy cập:259418
Số người trực tuyến: 20