Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định, Kiến Xương được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025
Ngày: 12/10/2023

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định, huyện Kiến Xương là một trong những HTX đi đầu trong sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thái Bình.

Bình Định là một xã nằm xa trung tâm huyện, thành phố, đất sản xuất trũng, thấp, không thể trồng rau màu, nhưng vượt lên những khó khăn, Hội đồng quản trị và cán bộ HTX đã có những kế hoạch cụ thể dựa trên những điểm mạnh của địa phương, của đơn vị, được sự đồng lòng của cán bộ, thành viên HTX nên trong những năm qua, HTX SXKD DVNN Bình Định luôn là đơn vị đứng trong tốp đầu của ngành nông nghiệp Thái Bình.

HTX là đơn vị duy nhất có tới 12 khâu dịch vụ trong hoạt động sản xuất với số tổng vốn hơn 20 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương và Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong những năm qua, HTX tích tụ tập trung ruộng đất được 18 ha với hình thức thuê 5 năm với giá 30kg/sào/năm, trong thời gian 5 năm, thanh toán 1 lần vào cuối vụ xuân theo giá quy định của UBND tỉnh hàng năm, sau đó chuyển cho tổ hợp tác tự nguyện, tự hạch toán kinh tế dưới sự điều hành HTX. Các thành viên HTX cũng tổ chức góp đất với diện tích 185,58 ha/202,5 ha của 1.898 hộ ở 4 vùng sản xuất trong xã. HTX đã hình thành 6 vùng sản xuất lúa tổng diện tích 352,5 ha (gồm: 4 vùng sản xuất lúa giống quy mô 202,5 ha, 02 vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô 150 ha) gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Hiện nay, trong cả 6 vùng sản xuất đã thực hiện việc xóa bỏ bờ ngăn ruộng giữa các hộ gia đình. Việc xóa bỏ bờ ngăn ruộng thuận lợi cho HTX đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. HTX SXKD DVNN Bình Định đã sử dụng máy làm đất, thu hoạch 100% diện tích, gieo mạ khay cấy máy 122,5/202,5 ha, đạt 60,5%, phun thuốc sâu bằng máy bay, sấy thóc, …

HTX cũng đã tổ chức sản xuất cấy cùng một loại giống, cùng trà, thu hoạch cùng thời điểm tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất, HTX đã xây dựng hệ thống phần mềm quản lý đồng ruộng, nhật ký số đồng ruộng, các khâu sản xuất đều được đưa vào phần mềm hệ thống, giúp tăng cường lưu trữ số liệu một cách khoa học, tránh mất mát số liệu và tra cứu thuận tiện, dễ dàng. Cán bộ HTX đã tham gia các chương trình tập huấn ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp để xây dựng phần mềm quản lý đồng ruộng, nhật ký số đồng ruộng và đã được cấp giấy chứng nhận.

Trong ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, cấp mã số vùng trồng, quy trình sản xuất giảm hiệu ứng khí thải nhà kính. HTX đã triển khai, áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính - xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng trước lúc cày lật đất, bằng chế phẩm Sumitri để đẩy nhanh quá trình phân hủy tàn dư hữu cơ trên đồng ruộng, cải thiện độ phì cho đất, hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Bình quân trong 1 năm, HTX hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho vùng sản xuất ở vụ xuân đạt 614 tấn; vụ mùa đạt 470,2 tấn, giá bình quân 9.700đ/kg, tổng doanh thu bao tiêu ở vụ mùa là 4.560.940.000đ, giá trị gia tăng 1,5 lần ước đạt 705.000.000đ.

   Trong những năm qua, HTX đã hình thành chuỗi liên kết hợp tác khép kín, HTX đảm nhiệm cung ứng các dịch vụ đầu vào: Thủy lợi, giống, phân bón, thuốc BVTV, làm đất, cấy máy, thu hoạch, tổ chức thu mua sản phẩm, sơ chế, bảo quản tiêu thụ cho doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết đảm bảo bền vững nâng cao giá trị sản phẩm trên mỗi ha từ 1,5 – 2 lần so với sản xuất truyền thống của các hộ thành viên. HTX là đơn vị cung ứng dịch vụ đầu vào 100% cho thành viên về giống, phân bón, thuốc BVTV, làm đất, cấy máy, thu hoạch tiết kiệm chi phí 400.000đ/ sào, 11.000.000đ/ha.

Hàng năm, HTX nhận sấy khô sản phẩm được 100 tấn lúa/ vụ với 5 mẻ sấy, còn lại sản phẩm thu mua theo hợp đồng với doanh nghiệp là lúa tươi.

Là HTX trồng lúa cả 2 vụ xuân và mùa, Bình Định đang lựa chọn giống lúa có chất lượng gạo cao, bón phân hữu cơ để sản xuất mang thương hiệu gạo hữu cơ Bình Định. HTX đã lựa chọn 01vùng sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ đã tổ chức quy gọn vùng 14,2 ha có 85 hộ tham gia, xây dựng quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ khâu giống lúa, tổ chức cấy, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc sâu, bệnh sinh học, các dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, sấy khô, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất theo tổ hợp tác tự nguyện. Góp đất tự hạch toán tài chính, lúa theo hướng hữu cơ. HTX đã đăng ký sản phẩm OCOP cho 01 giống lúa ở vụ mùa năm 2023.

Dù là thế mạnh nhiều năm qua về sản xuất lúa nhưng Hội đồng quản trị đang tìm một sản phẩm khác phù hợp với vùng đất trũng Bình Định đem lại lợi nhuận cao cho thành viên. HTX đang thí điểm xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu gắn với thu mua, sơ chế, chế biến theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp diện tích từ 5 - 10 ha. Vùng quy hoạch sản xuất cây dược liệu cà gai leo, thời gian thuê đất là 10 năm, diện tích 6 ha với 56 hộ giá thuê 180.000đ/ năm, trả 3 năm một lần để tổ chức trồng nhưng không phù hợp, bị mưa úng ngập chết. Hiện nay, HTX đang lựa chọn giống cây trồng khác để sản xuất từ vụ mùa năm 2023.

Với những biện pháp ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, HTX SXKD DVNN Bình Định được Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn là một trong những HTX tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025 theo quyết định  số 1907/QĐ-UBND ngày 09/08/2021 của UBND tỉnh Thái Bình về QĐ phê duyệt danh sách HTX tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; Quyết định 167/QĐ/TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính Phủ và kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 4/5/2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Bình về việc triển khai thực hiện hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới.

 

Thanh Huyền

Thống kê truy cập:261014
Số người trực tuyến: 16