Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thanh Nê từng bước khẳng định mình trong tình hình mới
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thanh Nê nằm trên địa bàn thị trấn Thanh Nê thành lập năm 1972. Hợp tác xã chuyển sang hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012 từ tháng 01/2016; số hộ thành viên tham gia là 2006 thành viên, diện tích sản xuất của các thành viên toàn Hợp tác xã là 359.5 ha. Hiện nay, với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích canh tác dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, hợp tác xã đã khắc phục những khó khăn để đạt được những thành công.
Trong những năm qua hợp tác xã đã làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân Thị trấn chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như cơ cấu mùa vụ; đồng thời triển khai và hoàn thiện Đề án tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất. Do đó sản xuất nông nghiệp ở địa phương tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập cho thành viên hợp tác xã.
Hợp tác xã tổ chức tốt 7 khâu dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của hộ thành viên; các khâu dịch vụ gồm: Dịch vụ thủy nông; dịch vụ bảo vệ thực vật; dịch vụ khoa học kỹ thuật; dịch vụ kho lạnh bảo quản giống khoai tây; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; dịch vụ cung ứng vật tư; dịch vụ làm đất. Các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã không những đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của thành viên mà còn cung cấp cho nhiều hộ nông dân các xã lân cận. Doanh thu và lợi nhuận hoạt động dịch vụ của Hợp tác xã hàng năm đều tăng và đạt kế hoạch đề ra; vừa đem lại lợi ích cho thành viên, vừa tăng vốn quỹ hoạt động, bảo được mức lương ổn định cho cán bộ hợp tác xã.
Xác định sản phẩm làm ra thì khâu tiêu thụ quyết định rất lớn nên Hợp tác xã đã chú trọng làm tốt dịch vụ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Để làm tốt dịch vụ này, Hợp tác xã đã hình thành các tổ tiêu thu ở cơ sở; xây dựng các mô hình sản xuất mới theo tiêu chuẩn VIETGAP, thực hiện liên kết với các công ty trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, hợp tác xã đã liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 100 tấn lúa hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP với Công ty trách nhiệm hữu hạn thanh toán theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm có ứng trước giống lúa gốc; với diện tích ban đầu là 20 ha đã quy hoạch được 4 vùng để tổ chức sản xuất. Việc quy hoạch được vùng sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu, do cấy cùng một loại giống, gieo cấy và thu hoạch cùng thời điểm nên hợp tác xã thuận lợi trong việc điều hành, rút ngắn được thời gian bơm nước, phòng trừ sâu bệnh cùng đợt, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên giảm đáng kể chi phí đầu tư cho cả hợp tác xã và thành viên.
Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất làm giảm sức lao động và tăng năng suất nhưng các hộ thành viên chưa đủ kinh phí để mua riêng máy nông nghiệp nên Hợp tác xã đã tiến hành làm khâu dịch vụ liên kết sử dụng chung máy nông nghiệp nhằm đảm nhiệm các khâu làm đất, khâu thu hoạch cho thành viên của hợp tác xã. Dịch vụ làm đất đã thu hút được 55 máy trong đó có 25 máy có công suất 21CV trở lên, thống nhất một mức thu 100.000 đồng/sào/vụ, định mức chi, và trả sau vụ sản xuất. Để các máy hoạt động hết các công suất và thuận lợi cho chủ máy, Hợp tác xã đã điều chỉnh lại diện tích cho từng máy theo công suất, vận động nhân dân phá bờ ngăn vì vậy các máy ít phải di chuyển, ruộng cày ít khi bị lỏi, bừa kỹ và phẳng, chất lượng làm đất được nâng cao, giảm giá thành so với máy ở ngoài dịch vụ là 20.000 đồng/sào/vụ.
Đối với khâu dịch vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp, xác định mục đích làm nhiệm vụ phục vụ thành viên là chính, nên Hợp tác xã đã tiến hành khâu cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên, cung ứng giống, gia cầm, thủy sản cho các gia trại, trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận. Hội đồng quản trị hợp tác xã cũng luôn chú trọng đến đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh, mở mang các điểm bán hàng trong toàn thị trấn để cung ứng hàng hóa và bao tiêu sản phẩm cho thành viên, để hạ giá thành và cạnh tranh trên thị trường, tránh qua nhiều khâu trung gian hợp tác xã đã lựa chọn các đơn vị cung ứng và bao tiêu sản phẩm như trực tiếp tới các nhà máy và công ty để ký kết các hợp đồng mua bán. Bình quân một năm lượng vật tư hợp tác xã cung ứng là 300 tấn theo phương thức bán tiền mặt và thanh toán trả chậm tạo điều kiện cho bà con thành viên sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất.
Hiện tại Hợp tác xã có 5 trạm bơm, 2 máy bơm dã chiến đang vận hành. Hợp tác xã đã làm tốt công tác phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác 364,6 ha và cây vụ đông, xuân hè.
Đặc điểm của các thành viên hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là trình độ khoa học-kỹ thuật còn hạn chế nên Hợp tác xã đã xác định khâu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học công nghệ mới cho thành viên đóng vai trò chủ lực để nâng cao trình độ cho thành viên, từ đó áp dụng những tiến bộ vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng và vật nuôi. Nhờ làm tốt khâu dịch vụ này mà năng suất sản xuất hàng năm của hợp tác xã duy trì tăng.
Bám sát vào dự báo thời tiết và sự hướng dẫn của các ngành chức năng, hàng năm, Hợp tác xã đã làm tốt việc dự tính, dự báo sâu bệnh hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả, hạn chế được tình trạng sâu bệnh hại mùa màng.
Với khâu dịch vụ thú y, hợp tác xã đã tổ chức tiêm phòng, phòng bệnh định kỳ, thường xuyên tuyên truyền kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho thành viên, thông qua tuyên truyền và các lớp tập huấn.
Việc sử dụng dịch vụ kho lạnh bảo quản giống giúp người nông dân yên tâm trong việc bảo quản các loại giống khoai tây, chủ động được nguồn giống tốt sử dụng cho các vụ sau.
Hàng năm, Hợp tác xã đã làm tốt công tác xã hội ở địa phương như đóng góp kinh phí hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức chính trị, các quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào các tỉnh gặp thiên tai, lũ lụt. Mỗi năm bình quân trên 40 triệu đồng. Ngoài ra hợp tác xã còn trợ cấp cho các thành viên gặp khó khăn, tai nạn rủi ro, thăm viếng khi thành viên qua đời với tổng kinh phí trên 20 triệu đồng/ năm.
Hoạt động của hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thanh Nê trong những năm qua đã khắc phục những khó khăn, những hạn chế được các cấp, các ngành đánh giá là một trong những hợp tác xã hoạt động có hiệu quả của huyện, của tỉnh.
Có được những kết quả trên, Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã luôn năng động, sáng tạo, tìm những biện pháp để đưa hợp tác xã phát triển bền vững, phát huy vai trò chủ động, gắn kết các thành viên và là cầu nối cho các thành viên với thị trường. Sự chủ động tích cực đó hy vọng hợp tác xã sẽ luôn là điểm sáng trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Thanh Huyền