Hội thảo xây dựng mô hình hợp tác xã quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường
Ngày: 28/11/2019
Sáng ngày 28/11/2019, tại Thái Bình, Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường và lấy ý kiến về mô hình hợp tác xã phù hợp quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến nông lâm sản vùng Đồng bằng sông Hồng”

Lãnh đạo Viên Phát triển kinh tế hợp tác phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020, các chuyên gia có liên quan, các nhà khoa học các trường đại học, đại diện lãnh đạo các Sở tài nguyên và Môi trường, các lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã  và các hợp tác xã có dịch vụ môi trường của 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, nhưng tình hình quản lý các chất thải làng nghề còn nhiều bất cập. Hiện khu vực Đồng bằng sông Hồng có 102 hợp tác xã hoạt động có dịch vụ môi trường trực tiếp thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn các đô thị và nông thôn, làng nghề, chiếm 20,9% tổng số hợp tác xã môi trường của cả nước (theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam). Các mô hình hợp tác xã môi trường đa số mới thành lập từ 3-5 năm gần đây, còn các mô hình hợp tác xã nông nghiệp có khâu dịch vụ môi trường cũng chủ yếu là hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân phân loại rác; thu gom, phân loại rác thải, chôn lấp, đốt rác. Chưa có hợp tác xã nào đầu tư nhà máy để tái chế hoặc xử lý rác theo quy chuẩn một cách hiện đại và biến rác thải hữu cơ thành nguồn phân vi sinh, tái chế rác thải nilong làm bạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, … tái sử dụng chất thải trong sản xuất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và bảo vệ môi trường, góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Cũng theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì các hợp tác xã còn hạn hẹp về kinh phí nên việc đầu tư máy móc, thiết bị cho dịch vụ môi trường còn khó khăn, nguồn nhân lực lao động trong hợp tác xã còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo,…

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với Thái Bình hiện nay có 156 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề chế biến nông, lâm, sản đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, tận dụng không gian nhà ở làm xưởng sản xuất. Tình trạng này dẫn đến quá trình chế biến gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, … ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển làng nghề, của xã hội.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ các hợp tác xã môi trường. Đó là những nhóm giải pháp về: Cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; Chính sách đất đai, Chính sách tín dụng, Chính sách thuế, Chính sách đào tạo, tập huấn, Chính sách Khoa học và Công nghệ - hỗ trợ  các hợp tác xã trong xử lý rác thải,…

Cũng trong Hội thảo, các nhà khoa học, các lãnh đạo các Viện thuộc các Bộ, Sở, Ngành cũng định hướng xây dựng một số mô hình hợp tác xã môi trường quản lý, xử lý rác thải tại phù hợp tình hình từng địa phương. Tại Thái Bình, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thọ (Thành phố Thái Bình) được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý nước thải lại làng nghề miến dong.

Thanh Huyền

Thống kê truy cập:419825
Số người trực tuyến: 256